1.
Từ đó, thống nhứt với tôi là một tương lai khó hình dung nhưng luôn gần gũi thân thuộc, bởi đó là niềm tin mãnh liệt, là tình cảm cháy bỏng được nuôi dưỡng mỗi ngày, là một tia hy vọng có lúc tưởng đã tắt khi chiến tranh ngày càng ác liệt...
Sau ngày 30.4.1975, thấu hiểu sâu sắc hơn giá trị của hai từ “thống nhứt” có lẽ là những người lính chiến đấu trên chiến trường xa lạ, là những người “tập kết” hay “di cư”. Bởi khi hòa bình lập lại, được trở về quê hương hay không thì trong họ cũng nguôi bớt nỗi đau vì sự chia cắt đất nước, chia lìa quê hương. Mà trên đất nước Việt Nam nỗi đau này đâu chỉ tồn tại 20 năm mà còn là di chứng của 200 năm “Đàng Ngoài - Đàng Trong”, là 100 năm “ba kỳ Bắc - Trung - Nam”...
2.
Tháng 3 năm nay, tôi có vài ngày trở lại Quảng Trị - mảnh đất “tiền tiêu” của cả hai bên trong cuộc chiến tranh ác liệt nhất trên đất nước ta. Những địa danh đã đi vào lịch sử đất nước, trở thành ký ức của nhiều người, nhiều gia đình dù có thể chưa hề đến đây: vĩ tuyến 17, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, sông Thạch Hãn, thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn... và nhiều địa danh nhắc nhở những trận chiến ác liệt: Đông Hà, Cam Lộ, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Nam Lào, Tà Cơn, Làng Vây...
Với gia đình tôi, những địa danh này càng có ý nghĩa sâu sắc. Từ nhỏ tôi thường được nghe bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương của Hoàng Hiệp và Đằng Giao - hai nhạc sĩ Nam bộ tập kết, cũng là những người đồng nghiệp thân thiết của ba tôi. Rồi lớn hơn, má tôi thường nói tôi hát “Ai đã tới miền quê em Quảng Trị - Thừa Thiên, qua Đường 9 tình Gio Linh lắng trong giọng hò...” (1), những địa danh má tôi luôn tìm hỏi thông tin vì là nơi anh tôi đóng quân, nơi ba tôi thường đưa các đoàn văn công đi phục vụ chiến trường.
Gia đình tác giả (giữa) sum họp năm 1980. Ảnh TLGĐ
Những năm 1968 - 1975, anh Hai tôi là bộ đội thuộc một binh xưởng ở miền tây Quảng Bình, sửa chữa xe và binh khí cho toàn tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Cung đường anh thường xuyên đi lại là Quảng Bình - Quảng Trị, có khi vào đến bắc Tây Nguyên. Năm 1971 đơn vị anh phục vụ chiến dịch Đường 9 Nam Lào, thời gian này ba tôi cũng đưa Đoàn Kịch nói Nam bộ đi chiến trường.
Một lần trên đường hành quân trong đêm tối mịt mùng và những đoàn xe đi ào ào, anh Hai và ba tôi tình cờ gặp nhau... Hai chiếc xe đi ngược chiều vậy mà linh cảm thế nào hai cha con nhận ra nhau, chỉ kịp gọi: “Ba ơi - con Bửu...”. Rồi hai chiếc xe vẫn đi tiếp. Sau chuyến đi đó, thủ trưởng mặt trận biết chuyện đã bố trí cho ba tôi đến binh trạm thăm anh Hai được một ngày.
Quảng Trị là nơi có Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Từ nhiều năm nay hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập về, hơn 10.000 chàng trai tuổi đôi mươi, quê từ 63 tỉnh thành đang quây quần… Chúng tôi chỉ đến được vài khu vực trong số hàng chục ngàn nơi yên nghỉ của những chàng trai Hà Nội, Hà Bắc, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, của vài tỉnh miền Nam, miền Trung… thắp vội vài nén nhang, lòng cầu mong các anh thông cảm vì không thể đến với từng người…
Lướt qua những dòng bia mộ, có anh nhập ngũ được vài năm, có anh nhập ngũ mới vài tháng, nhiều anh còn chưa tìm thấy tên tuổi… Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn giờ đã khang trang hơn xưa, nhưng vẫn nắng Quảng Trị, vẫn gió miền Trung, vẫn xào xạc lá rừng Trường Sơn, vẫn những tên tuổi năm tháng ấy, thời gian ở đây như ngập ngừng không muốn trôi qua để giữ mãi tuổi thanh xuân của những người đã yên bình nằm lại nơi này…
Học sinh trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế) thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ảnh chụp ngày 15.3.2025. Ảnh Trung Dũng
Rời Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, chúng tôi dừng lại ở cầu Thạch Hãn, rồi đến thành cổ Quảng Trị “81 ngày đêm đỏ lửa, đỏ máu”. Nắng hôm nay có dội lửa như những ngày năm ấy? Gió hôm nay có thiêu đốt như những ngày năm ấy? Con sông Thạch Hãn hiền hòa hôm nay đã từng quặn dòng trong những ngày năm ấy…
Những năm chiến tranh, má tôi cũng như bao bà mẹ khác, luôn thấp thỏm mong chờ tin tức của chồng con. Ngày hòa bình má tôi may mắn khi chồng con trở về bình yên, nhưng có biết bao người vợ, người mẹ không được đón chồng con trở về? Trên đất nước này còn biết bao nghĩa trang của bên này, bên kia chưa được xây dựng đàng hoàng, khói nhang ấm áp? Trên đất nước này còn biết bao người chưa bình yên khi nắm xương của người thân chưa được tìm thấy, nấm mồ người nhà còn chưa được chăm nom? Rứt ruột sinh ra, con nào không là con của mẹ; bên này, bên kia… như hai bờ của dòng sông quê nhà, lỡ chia đôi nhưng một chuyến đò ngang cũng đủ nối liền. Cầu Hiền Lương đã liền một nhịp, 50 năm rồi vết cắt nơi vĩ tuyến 17 đã lành chưa...
Nỗi đau và mất mát của chiến tranh và sau cuộc chiến không từ một ai, trong gia đình tôi cũng vậy. Nhưng người trong một nhà, bên này hay bên kia không bao giờ nói đến hai chữ “thắng thua”, không màng hai chữ “được, mất”. Để làm gì khi còn đó nguyên vẹn một quê hương, bà con nghĩa tình Bắc - Nam còn đó... Bao năm rồi tôi luôn mong những ngày này tại các nghĩa trang trên cả nước vang lên tiếng chuông cầu nguyện cho tất cả những người đã mất trong cuộc chiến. Một lần và mãi mãi, để quê hương thực sự hòa bình, thực sự hòa hợp, thực sự thấu hiểu và yêu thương...
Tác giả thăm lại dòng sông từng chia đôi đất nước, 3.2025. Ảnh: Trung Dũng
Điểm cuối chuyến đi của chúng tôi là cố đô Huế. Một lần nữa viếng thăm Đại Nội. Trước sân Thế Miếu vẫn là hàng Cửu đỉnh được đúc thời vua Minh Mạng. Vào tháng 10 âm lịch năm Ất Mùi (1835), nhà vua ban chỉ dụ ra lệnh cho Nội các cùng bộ Công đôn đốc việc đúc Cửu đỉnh. Buổi đại lễ khánh thành diễn ra vào ngày 1.3.1837 để đặt Cửu đỉnh ở sân Thế Miếu dưới sự chủ trì của vua Minh Mạng.
Nhiều công trình nghiên cứu đã nói về ý nghĩa của Cửu đỉnh: như một biểu tượng quyền lực hoàng gia, sự vững chắc, trường tồn của triều Nguyễn, là đỉnh cao của kỹ thuật và nghệ thuật đúc đồng phường Đúc kinh đô Huế. Cửu đỉnh là tác phẩm đúc đồng lớn nhất và thể hiện trọn vẹn tinh thần Đại Nam thế kỷ XIX.
Nhưng ý nghĩa quan trọng nhất của Cửu đỉnh, theo tôi đó là một công trình “tượng đài thống nhất” lãnh thổ Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, sau hơn 200 năm chia cắt và công cuộc mở đất về phương Nam.
Trên mỗi đỉnh đều là những hình ảnh đúc nổi về những cảnh vật, núi sông, rừng biển, động vật, cây cỏ tiêu biểu của “non sông gấm vóc” toàn cõi Việt Nam, những vùng miền từ núi cao đến biển sâu, từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng Cửu Long. Những hình ảnh của Cửu đỉnh là sự đa dạng, phong phú, giàu có của thiên nhiên và văn hóa đất nước. Tính đến năm đúc Cửu đỉnh thì chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, một đất nước thống nhất hiển hiện rõ ràng từ thiên nhiên và từ văn hóa, bắt đầu từ tầm nhìn của một vị vua!
Cửu đỉnh không chỉ là một công trình mang ý nghĩa chính trị - đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới. Cửu đỉnh còn là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu nhất của đất nước. Những hình ảnh của Cửu đỉnh truyền tải giá trị, tinh thần và bản sắc văn hóa của quốc gia Việt Nam - Đại Nam. Một tượng đài thống nhất - hòa bình sau những năm dài chiến tranh chia cắt mà không hề có hình ảnh chiến tranh, đó là nhờ sự thấu hiểu hòa bình thống nhất là mục đích duy nhất và cuối cùng của mọi cuộc chiến tranh! Công trình văn hóa này đại diện thời đại mới của đất nước, cho sự trường tồn của đất nước, mang giá trị nhân văn của cộng đồng và nhân loại.
3.
“Thống nhứt là gì hả má?” - 50 năm qua câu hỏi này vẫn còn đó trong tôi! “Giang sơn thu về một mối” chỉ là bước khởi đầu, bởi vì ngày kết thúc chiến tranh là ngày “triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn” (2)... Thấu hiểu điều đó lòng người mới thôi chia cắt, thống nhứt đất nước bắt đầu từ sự khoan dung, lòng trắc ẩn giữa những người Việt Nam.
Một câu nói trong tiểu thuyết Con đường đau khổ của nhà văn A.Tolstoi được nhiều người thế hệ tôi nhớ đến: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương”. Đây là thông điệp tác giả gửi đến cho người đọc khi đã trải qua “con đường đau khổ” cùng ông, cũng là khát vọng của mỗi người, mỗi quốc gia từng trải qua một thời chiến tranh, dù ở thời đại nào hay ở nơi nào trên thế giới.
Nguyễn Thị Hậu
______________
(1) Ca khúc Tiếng hát trên đường quê hương của nhạc sĩ Huy Thục.
(2) Một câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.