HĐND tỉnh Bình Định thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định. Cụ thể, thành lập tỉnh Gia Lai mới trực thuộc trung ương trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân của đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của đơn vị hành chính tỉnh Bình Định. Tỉnh Gia Lai sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là 21.576 km2, dân số hơn 3,5 triệu người. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Gia Lai đặt tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay.
Quang cảnh kỳ họp
Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định năm 2025 đã đưa ra phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBDN tỉnh Bình Định trình bày về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định năm 2025.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định, trước mắt giữ nguyên số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện có tại hai tỉnh. Sau đó sẽ rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thực hiện theo đúng biên chế được giao sau thời hạn 5 năm theo yêu cầu của Trung ương.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định phát biểu tại kỳ họp.
Phát biểu tại kỳ họp, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định cho biết, mục tiêu của Trung ương hợp nhất tỉnh Bình Định và Gia Lai là để mở rộng không gian phát triển, tạo dư địa mới cho địa phương bứt phá vươn lên, tận dụng tối đa hình thái không gian để kích hoạt sự phát triển toàn diện giữa miền núi - đồng bằng - biển.
Ông Hồ Quốc Dũng đề nghị UBND tỉnh Bình Định khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện đầy đủ hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trình cấp có thẩm quyền theo quy định. UBND tỉnh Bình Định triển khai thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương; chủ động xây dựng các phương án, để báo cáo cấp có thẩm quyền về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho sắp xếp:
"Từ nay đến ngày hệ thống chính trị các cấp sau sắp xếp chính thức đi vào hoạt động không còn nhiều, do đó tôi đề nghị với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị khác theo yêu cầu của Trung ương và của Tỉnh ủy. Đây cũng là dịp để đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh mới".
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết tại kỳ họp.
Kỳ họp thứ 23 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Định khóa XIII đã thông qua 16 Nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Kỳ họp lần này là Kỳ họp “mang tính lịch sử”, ngoài việc xem xét, quyết định các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội còn quyết định việc sáp nhập 155 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh còn 58 xã, phường (giảm 97 xã, phường, thị trấn - tỷ lệ giảm 62,58%); quyết định việc hợp nhất, sáp nhập tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai theo chủ trương của Trung ương.
Thanh Thắng/VOV-Miền Trung