Quang cảnh phiên họp.
Bổ sung dự toán ngân sách TW 2025 để chi trả chế độ, chính sách khi thực hiện sắp xếp
Sáng 17/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, với 436/438 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 99,54%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Nghị quyết quyết nghị, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy quy định tại các Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 của Chính phủ theo cơ chế thực hiện cải cách tiền lương.
Cụ thể, sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương để điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2024 của ngân sách trung ương còn dư chuyển nguồn sang năm 2025 là 15.710 tỷ đồng để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Bổ sung dự toán thu ngân sách trung ương năm 2025 là 28.290 tỷ đồng từ nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương, đồng thời bổ sung tương ứng dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 để Chính phủ bổ sung dự toán chi cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nhiệm vụ.
Trường hợp nhu cầu kinh phí phát sinh vượt mức ở các điểm a, b Điều 1, cho phép Chính phủ sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để thực hiện.
Chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn học phí
Nghị quyết nêu rõ, chuyển nguồn 6.623 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ còn lại sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền (ngoài chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động).
Về bố trí chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, Thông báo số 01-TB/BCĐTW ngày 22/1/2025 và số 03-TB/BCĐTW ngày 6/3/2025 của Ban chỉ đạo Trung ương thông báo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trường hợp sau khi đã sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa đảm bảo mức bố trí ít nhất 3% chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho nhiệm vụ nêu trên, cho phép Chính phủ điều chỉnh, sắp xếp trong phạm vi các khoản dự toán chi ngân sách trung ương năm 2025 chưa phân bổ đầu năm để thực hiện.
Nghị quyết giao Chính phủ khẩn trương tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tuân thủ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, pháp luật về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, pháp luật có liên quan, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất, tại Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện và Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình.
Khắc phục tình trạng có chính sách, có nguồn kinh phí nhưng chậm trễ phân bổ
Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình bổ sung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra bổ sung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Thảo luận ở hội trường về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội để trình Quốc hội điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, kịp thời để có nguồn kinh phí triển khai các nhiệm vụ đột phá, cách mạng theo quyết sách của Trung ương, Bộ Chính trị.
Đồng thời đề nghị, cần khắc phục tình trạng có chính sách, có nguồn kinh phí nhưng chậm trễ phân bổ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua, các đại biểu đề nghị cần khẩn trương tổ chức, triển khai thực hiện, bảo đảm sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, không để xảy ra tình trạng sử dụng trục lợi chính sách.
* Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, cuối phiên làm việc buổi sáng 17/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày Tờ trình (bổ sung) về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 với 03 nội dung:
- Bổ sung dự toán ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy;
- Chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương năm 2024 chưa phân bổ sang năm 2025 để có nguồn thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy;
- Cân đối, bố trí đạt 3% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2025 cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Thông báo số 03-TB/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra (bổ sung) về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Quốc hội thảo luận ở hội trường về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.