Thông tin bộ xét nghiệm kháng thể chống Covid-19

Thông tin bộ xét nghiệm kháng thể chống Covid-19
8 giờ trướcBài gốc
Theo tờ Malay Mail ngày 20/5, bộ xét nghiệm này có tên đầy đủ là xét nghiệm trung hòa virus mô phỏng đa tác nhân (multiplex surrogate virus neutralisation test - sVNT), có khả năng xác định liệu một người có kháng thể đủ mạnh để vô hiệu hóa nhiều mầm bệnh, bao gồm virus Sars-CoV-2 gây bệnh Covid-19, cũng như virus Ebola và Nipah.
“Kháng thể trung hòa phản ánh khả năng miễn dịch thật sự của bạn. Nếu bạn có mức độ cao, khả năng bạn được bảo vệ khỏi nhiễm bệnh trong tương lai cũng sẽ cao" - Giáo sư Wang Linfa thuộc Trường Y khoa Duke-NUS cho biết.
Xét nghiệm này được phát triển bởi Giáo sư Wang Linfa từ Trường Y khoa Duke-NUS.
Giáo sư Wang Linfa nói thêm, việc đánh giá mức độ miễn dịch còn giúp đo lường hiệu quả của vắc-xin và đưa ra hướng cải tiến để bảo vệ tốt hơn trước nhiều loại virus cùng họ.
Ngoài việc hỗ trợ phát triển vắc xin, bộ xét nghiệm còn hữu ích trong truy vết tiếp xúc khi xảy ra dịch bệnh nhờ khả năng phát hiện người từng nhiễm bệnh. Nó cũng được dùng để kiểm tra trên động vật, từng giúp xác định sự lây lan của virus Sars-CoV-2 từ người sang hươu trong một nghiên cứu tại Mỹ.
Theo Tiến sĩ Tan Chee Wah (người tham gia dự án), ưu điểm lớn của xét nghiệm này là tính an toàn, chỉ sử dụng protein gai của virus thay vì virus sống, nhờ đó tránh rủi ro lây nhiễm khi làm xét nghiệm kháng thể.
sVNT được phát triển trong khuôn khổ dự án tài trợ từ Quỹ Nghiên cứu Y khoa Quốc gia Singapore trực thuộc Bộ Y tế nước này. Theo giáo sư Paul Tambyah từ NUS Medicine, bộ xét nghiệm dựa trên nền tảng của cPass, nhưng đã được cải tiến để khắc phục hạn chế, như việc có thể phát hiện được các biến thể mới của Covid-19.
Hiện, bộ xét nghiệm đã được các tổ chức quốc tế như Đại học Oxford và Đại học Melbourne sử dụng, góp phần vào công tác nghiên cứu và giám sát dịch bệnh toàn cầu.
Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hướng đến mục tiêu tạo ra một xét nghiệm “toàn năng”, có thể phát hiện mọi mầm bệnh nằm trong danh sách đe dọa sức khỏe toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới, bao gồm cả vi khuẩn kháng kháng sinh.
“Thách thức, đồng thời cũng là điều khiến chúng tôi hào hứng là làm sao phát triển được một bộ xét nghiệm trung hòa có thể nhận diện nhiều nhóm virus khác nhau để thế giới sẵn sàng đối phó với bất kỳ căn bệnh lây nhiễm qua virus nào,” giáo sư Wang nói, ám chỉ loại virus chưa biết có thể gây ra đại dịch trong tương lai.
Từ sau đại dịch Covid-19, Singapore đã tăng cường năng lực ứng phó với dịch bệnh, với chương trình nghiên cứu trị giá 100 triệu đô la Singapore từ năm 2022 và gần đây là việc thành lập Cơ quan Bệnh Truyền nhiễm vào tháng 4/2025 nhằm tập trung hóa công tác phản ứng với các dịch bệnh.
Trần Đình
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thong-tin-bo-xet-nghiem-khang-the-chong-covid-19-388403.html