Các dự án xây dựng tại Việt Nam mới chỉ áp dụng mô hình thông tin công trình ở khâu thiết kế và thi công. Ảnh: Đỗ Tâm
Áp dụng chậm, thực hiện khó
BIM (Building Information Modeling) là quy trình làm việc dựa trên mô hình 3D kỹ thuật số, được sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án xây dựng, từ thiết kế, thi công đến vận hành, giúp các bên liên quan trong dự án phối hợp hiệu quả hơn.
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) Trần Phúc Minh Khôi cho biết, ở nước ta, việc áp dụng mô hình BIM chậm hơn các nước trên thế giới. Phần lớn các dự án mới dùng mô hình này ở khâu phục vụ thiết kế và thi công, bởi việc triển khai đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn ở yếu tố con người và tổ chức. Nhiều chủ đầu tư vẫn vận hành theo mô hình truyền thống, ngại thay đổi, thiếu sự phối hợp đa ngành và không có chiến lược dữ liệu rõ ràng. Chi phí đầu tư ban đầu lớn cũng là một cản trở trong áp dụng mô hình này.
Một khó khăn mà các dự án hạ tầng lớn đang phải đối mặt là sự phân mảnh dữ liệu. Thực tế, trong quá trình đầu tư xây dựng, có quá nhiều loại dữ liệu được sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau như bản vẽ quy hoạch, địa hình, khảo sát địa chất, thiết kế kỹ thuật, báo cáo môi trường, tiến độ thi công, khối lượng, chi phí… Mỗi loại dữ liệu lại được lưu trữ dưới một định dạng riêng, bởi một nhóm chuyên môn riêng và thường không thể kết nối được với nhau.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Trung Sơn, những khó khăn khi triển khai, áp dụng BIM đến từ chính sách, công nghệ và nhân lực.
Năm 2024, Bộ Xây dựng đã ban hành một số thông tư hướng dẫn cụ thể về chi phí áp dụng BIM. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa thực sự đầy đủ và thống nhất. Thực tế các chủ thể khi áp dụng vẫn còn những lúng túng trong chuẩn hóa dữ liệu đầu vào, đầu ra; cơ sở dữ liệu và bảo mật dữ liệu chưa có quy định rõ ràng. Hiện chưa có quy định thống nhất về quy cách, chất lượng sản phẩm đầu ra của BIM tương ứng với từng bước thiết kế, dẫn đến mỗi dự án đang được thực hiện còn khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định chi phí, phê duyệt kết quả thực hiện.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư chưa thể có được đội ngũ nhân sự tốt cho việc áp dụng BIM nên ngay từ việc "ra đầu bài" còn phải phụ thuộc vào tư vấn. Việc ứng dụng BIM cho giai đoạn khai thác vận hành chưa thực sự được quan tâm, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc tuân thủ các quy định ở giai đoạn thiết kế, quản lý thi công, quản lý dự án.
Hướng tới BIM hóa toàn bộ quy trình
Bộ Xây dựng hiện đang là cơ quan tham mưu, chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn liên quan tạo hành lang pháp lý đồng bộ và cung cấp cơ sở kỹ thuật để các tổ chức, cá nhân áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng. Do đó, để áp dụng BIM hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị bổ sung các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan.
Để khắc phục tình trạng phân mảnh dữ liệu, ông Trần Phúc Minh Khôi cho biết, GIS - hệ thống máy tính được thiết kế để thu thập, lưu trữ, phân tích và hiển thị dữ liệu có liên quan đến vị trí trên trái đất, chính là công cụ giúp “gắn kết” các loại dữ liệu rời rạc trên cùng một nền tảng không gian địa lý.
Khi tích hợp mô hình BIM vào nền tảng GIS, công trình không chỉ nhìn thấy dưới dạng 3D mà còn hiểu được vị trí của nó trong bức tranh tổng thể hơn. Nhờ đó, từ một “mảnh ghép thiết kế”, mô hình BIM trở thành một phần sống động của hệ sinh thái số, có thể phục vụ ra quyết định quy hoạch, phân tích rủi ro, tổ chức thi công và thậm chí quản lý vận hành sau này.
Về những nội dung này, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) Bùi Văn Dưỡng cho biết, ngày 11-10-2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 926/QĐ-BXD phê duyệt Đề án chuyển đổi số ngành xây dựng giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu phát triển nền tảng số theo hướng xây dựng và triển khai nền tảng BIM và GIS ứng dụng trong quy hoạch, thẩm định, cấp phép, quản lý công trình và hạ tầng kỹ thuật đô thị tại Bộ Xây dựng và các sở xây dựng địa phương.
Thực hiện kế hoạch đề xuất các dự án luật xây dựng, ban hành giai đoạn 2026-2030, dự kiến Luật sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng sẽ được Bộ đề xuất đăng ký vào chương trình lập pháp năm 2026.
Theo đó, Bộ sẽ nghiên cứu đề xuất xây dựng luật và hệ thống các văn bản theo hướng tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến thẩm định dự án, thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề đã đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ được giải quyết hoàn toàn trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ và hệ thống một cửa điện tử của địa phương.
Bên cạnh đó, cùng với việc triển khai nền tảng BIM và GIS ứng dụng trong hoạt động thiết kế, cấp giấy phép xây dựng sẽ được thể chế hóa đầy đủ tại các văn bản pháp luật về xây dựng và sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ cho việc thực hiện các mục tiêu nêu trên.
Như vậy, với những nỗ lực hiện tại, việc ứng dụng BIM ở Việt Nam được kỳ vọng có thể rút ngắn khoảng cách và được thực hiện thực chất, hiệu quả, bền vững. Giống như nhiều quốc gia tiên tiến, Việt Nam có thể hướng tới việc BIM hóa toàn bộ quy trình cấp phép xây dựng, kết nối quy hoạch và liên thông cơ sở dữ liệu quản lý công trình. Khi đó, mô hình thông tin công trình này không chỉ là công cụ của nhà thầu, mà trở thành hạ tầng số của ngành Xây dựng.
Khánh An