Lương của nhà giáo được xếp cao nhất
Sáng nay (7/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Báo cáo tiếp thu, giải trình một số vấn đề lớn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có một số ý kiến tán thành quy định tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Nhà giáo.
Bên cạnh đó, một số ý kiến còn băn khoăn, chưa đồng thuận với quy định này và đề nghị cần đánh giá tác động của chính sách trong mối tương quan chung với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của hệ thống chính trị.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng bỏ quy định cụ thể về tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp đối với nhà giáo được tuyển dụng, xếp lương lần đầu.
“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; việc cải thiện chính sách tiền lương cho công chức, viên chức cần được nghiên cứu, tính toán đồng bộ trong quá trình xây dựng chính sách tiền lương theo vị trí việc làm”, ông Vinh nêu.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, chính sách tiền lương, phụ cấp nhà giáo đang được nhìn nhận theo chế độ tiền lương và phụ cấp hiện hành. Ông Tùng lưu ý, cần có sự liên kết để khi triển khai chính sách tiền lương mới có thể mang tính đồng bộ hơn.
Quy định rõ về nhà ở để không gây lúng túng
Về chính sách nhà ở công vụ, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu, có ý kiến đề nghị thực hiện quy định chính sách thuê nhà ở công vụ cho nhà giáo theo quy định của Luật Nhà ở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho giáo viên khi đến công tác tại khu vực khó khăn theo quy định.
Tiếp thu ý kiến, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng, nhà giáo được hưởng chính sách thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở hoặc được bảo đảm chỗ ở tập thể khi đến công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự thảo cũng bổ sung quy định trường hợp không bố trí được chỗ ở tập thể hoặc nhà ở công vụ thì nhà giáo được hỗ trợ tiền thuê nhà ở theo mức hỗ trợ thuê nhà ở công vụ; bỏ tiêu chí “đủ các điều kiện thiết yếu” trong quy định về nhà ở tập thể của giáo viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị sửa theo hướng nhà giáo được thuê nhà ở “theo quy định pháp luật về nhà ở”. Ngoài ra, ông cũng đề nghị Chính phủ cần quy định chi tiết điều này, hỗ trợ như thế nào phải rõ để thực hiện, nếu không địa phương sẽ rất lúng túng, không biết làm thế nào.
Cùng mối quan tâm, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng “hoàn toàn nhất trí” với chính sách nhà ở cho nhà giáo khi công tác tại khu vực khó khăn. Đây là đòi hỏi rất thực tiễn, cũng là điều kiện để điều động giáo viên về công tác tại khó khăn.
Tuy nhiên, ông Tùng băn khoăn trong trường hợp địa phương không bố trí được chỗ ở tập thể thì hỗ trợ tiền thuê nhà, điều này cũng chưa đáp ứng được thực chất vấn đề để giáo viên yên tâm công tác. “Cần cân nhắc thêm, có những ràng buộc đảm bảo tốt nhất cho giáo viên công tác tại đây”, ông Tùng đề nghị.
Giáo viên mầm non được nghỉ hưu trước tuổi
Về chính sách nghỉ hưu trước tuổi, ông Nguyễn Đắc Vinh nói, nhiều ý kiến tán thành chính sách được nghỉ hưu trước tuổi theo quy định của pháp luật đối với giáo viên mầm non; đề nghị bổ sung tiêu chí nhà giáo phải có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nghỉ hưu trước tuổi và không bị trừ tỷ lệ tiền lương hưu được hưởng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách này và cho rằng phải bảo đảm nguyên tắc có đóng - có hưởng theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Về việc này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, việc cho phép giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm so với độ tuổi quy định của pháp luật là chính sách được xây dựng dựa trên đặc thù trong hoạt động nghề nghiệp của đối tượng này và phù hợp với đặc thù người học là trẻ mầm non.
Tiếp thu ý kiến, dự thảo luật đã chỉnh lý và bổ sung quy định nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non nếu có nguyện vọng thì được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường nhưng không quá 5 năm và không giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi nếu đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.
Cũng theo ông Vinh, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể yêu cầu, điều kiện để nhà giáo được kéo dài tuổi nghỉ hưu; có ý kiến băn khoăn về kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo ở cấp học mầm non, phổ thông.
Về điều này, dự thảo luật cũng quy định rõ điều kiện thực hiện chính sách này khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe và tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; đồng thời bổ sung tiêu chí “đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cơ sở giáo dục”.
“Trong thời gian được kéo dài tuổi nghỉ hưu, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý", ông Vinh cho hay.
Luân Dũng