Sau cuộc họp với các sở ngành vào ngày 27-3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã có kết luận liên quan đến tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao TP.HCM - Cần Giờ và TP.HCM đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hướng dẫn nhà đầu tư làm tuyến đường sắt đô thị TP.HCM - Cần Giờ
Đối với tuyến đường sắt đô thị TP.HCM - Cần Giờ, UBND TP giao Sở Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề xuất dự án.
Dự án này được đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo đúng quy định. Đồng thời tổ chức thẩm định hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư và tham mưu UBND TP.
Sở Tài chính sẽ hướng dẫn nhà đầu tư làm tuyến đường sắt đô thị TP.HCM - Cần Giờ. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Trước đó, Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao có tổng chiều dài 48,5km, đi trên cao, bao gồm 2 ga (ga đầu cuối là ga Tân Phú và ga Cần Giờ), 1 depot dự kiến đặt tại khu đất 39ha, Long Hòa, Cần Giờ, 1 depot dự kiến đặt tại khu đất 20ha, phường Bình Thuận, quận 7.
Tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao TP.HCM - Cần Giờ được đầu tư theo hình thức xây dựng – sở hữu – vận hành (BOO), dự kiến tốc độ cao đạt 250km/h.
Tuyến đường sắt đô thị đáp ứng năng lực chuyên chở từ 30.000 - 40.000 người/hướng/giờ, kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ.
Ngoài ra, đối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, TP.HCM cơ bản thống nhất đề xuất của Sở Giao thông công chánh tại cuộc họp, giao sở này nghiên cứu kỹ ý kiến của Bộ Xây dựng về đường sắt kết nối giữa hai Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Từ đó, khẩn trương tham mưu, đề xuất TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đảm bảo phù hợp, khả thi và đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Khẩn trương xây dựng Nghị quyết của HĐND
Về tiến độ triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Giao thông công chánh, Ban Quản lý đường sắt đô thị và các sở ngành, đơn vị liên quan xây dựng nghị quyết của HĐND TP quy định.
TP.HCM khẩn trương xây dựng nghị quyết của HĐND TP.HCM liên quan đến Nghị quyết 188 để trình trong kỳ họp HĐND TP vào tháng 5. Ảnh: ĐÀO TRANG
Trong đó bao gồm chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị, quy hoạch khu vực TOD; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, chỉ tiêu sử dụng đất; việc điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong khu vực TOD; chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch giữa các dự án, công trình trong khu vực TOD. Từ đó, tham mưu UBND TP.HCM trước ngày 30-4- 2025 để trình HĐND TP trong kỳ họp tháng 5-2025.
UBND TP giao Sở GTCC là cơ quan thường trực theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, ban hành kèm theo Quyết định số 1151 của UBND TP.HCM. Từ đó, kịp thời tổng hợp báo cáo UBND TP các vấn đề phát sinh, vướng mắc.
Làm tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương
UBND TP giao Sở GTCC chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu và xem xét kiến nghị của Ban Quản lý Đường sắt đô thị (MAUR) về việc đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt của Nghị quyết số 188 bao gồm tiến độ chi tiết thực hiện và định hướng chỉ định tư vấn và nhà thầu EPC cho dự án metro số 2.
TP giao MAUR bổ sung, tiếp thu các ý kiến góp ý tại cuộc họp và ý kiến của Sở Giao thông công chánh, hoàn thiện báo cáo về đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt theo Nghị quyết số 188.
Các nhóm việc bao gồm tiến độ chi tiết thực hiện và định hướng chỉ định tư vấn, nhà thầu EPC cho dự án metro số 2. Từ đó, tham mưu UBND TP.HCM trình Ban Thường vụ Đảng ủy UBND TP xem xét, chấp thuận chủ trương áp dụng các cơ chế này đối với dự án này.
ĐÀO TRANG