Thông tin mới về 'gỡ vướng' cho dự án chống ngập 10.000 tỷ ở TPHCM

Thông tin mới về 'gỡ vướng' cho dự án chống ngập 10.000 tỷ ở TPHCM
6 giờ trướcBài gốc
Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án ngăn triều 10.000 tỷ) là một trong những công trình trọng điểm chậm tiến độ, gây lãng phí, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đặc biệt quan tâm.
Dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng của TPHCM sau gần 10 năm khởi công nhưng vẫn chưa về đích. Ảnh: Nguyễn Huế.
Công trình trọng điểm 'trùm mềm' suốt 6 năm
Dự án ngăn triều gần 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). TPHCM thanh toán cho Nhà đầu tư bằng quỹ đất tương đương 16% giá trị quyết toán dự án (khoảng 1.588 tỷ đồng); phần thanh toán bằng tiền tương đương 84% giá trị quyết toán dự án (khoảng 8.380 tỷ đồng).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự án khởi công từ năm 2016 và đến 2020 phải tạm ngừng thi công khi khối lượng đạt hơn 90%. Lũy kế giá trị giải ngân (theo hợp đồng tín dụng) đến ngày 28/11/2023 hơn 8.276 tỷ đồng/9.976 tỷ đồng (đạt 82,96%). Nguồn vốn còn lại cần huy động để thi công hoàn thành công trình khoảng 1.699 tỷ đồng (theo tổng mức đầu tư ban đầu).
Bộ Tài chính chỉ ra loạt 'nút thắt' khiến siêu dự án chống ngập của TPHCM không về đích đúng hẹn sau 10 năm khởi công và 'trùm mềm' suốt 6 năm liền.
Cụ thể, hiện dự án này có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng do thời gian điều chỉnh thực hiện kéo dài và phát sinh lãi vay. Do đó, TPHCM đang thực hiện thủ tục điều chỉnh lại dự án.
Về nguồn vốn dự án, hiện nay Ngân hàng TMCP đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) không có đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (doanh nghiệp dự án) để trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thu nợ tái cấp vốn đối với Nhà đầu tư.
Về việc thanh toán cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính chỉ ra dự án này không có quyết định phê duyệt chủ trương sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án.
Việc thanh toán hợp đồng BT được thực hiện bằng quỹ đất, trường hợp có chênh lệch thì thực hiện bù trừ bằng tiền theo nguyên tắc quy định. Tuy nhiên, UBND TPHCM đã ký hợp đồng, phụ lục hợp đồng với Nhà đầu tư, trong đó xác định phương thức thanh toán cho dự án không tuân thủ nguyên tắc trên.
Theo Bộ Tài chính, điều này cũng được nêu trong Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 1/4/2021 về việc tiếp tục triển khai dự án. Trong đó, Chính phủ đã xác định việc UBND TPHCM phê duyệt đề xuất dự án, ký kết hợp đồng BT với nhà đầu tư có những nội dung chưa phù hợp với quy định. Đặc biệt, về phương án thanh toán cho nhà đầu tư và thẩm quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án.
Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được xem là giải pháp trọng điểm của TPHCM, giúp bảo vệ khoảng 6,5 triệu dân trên diện tích 570 km² khỏi triều cường. Ảnh: Nguyễn Huế.
Chính phủ ra Nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc pháp lý then chốt
Với loạt vướng mắc pháp lý tại 'siêu dự án' này, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 212/NQ-CP nhằm gỡ vướng. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra khả năng về việc tái khởi động lại một trong những dự án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực quan tâm.
Với nghị quyết 212, UBND TPHCM được quyền quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lập, thẩm định, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Cụ thể, TPHCM sẽ phải thực hiện nhiệm vụ xác định quỹ đất và tiến hành định giá đất theo giá thị trường để thanh toán cho nhà đầu tư. Việc định giá đảm bảo minh bạch và tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật về đất đai cũng như các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Trong trường hợp giá trị quỹ đất không đủ để thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng (sau khi đã rà soát, loại bỏ các chi phí bất hợp lý), TPHCM sẽ phải tự cân đối, bố trí từ nguồn vốn đầu tư công của mình để chi trả phần còn thiếu. Ngoài ra, thành phố cũng được giao toàn quyền quyết định việc điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án để phù hợp với tình hình thực tế.
Để đảm bảo tính minh bạch, Chính phủ cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, kiểm toán toàn bộ dự án trước khi quyết toán, nhằm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí.
Cùng với dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng, Nghị quyết 212 cũng áp dụng các nguyên tắc tháo gỡ khó khăn tương tự cho đoạn 3 của Vành đai 2 (Dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1 thuộc địa bàn TP Thủ Đức cũ).
Dự án này có hợp đồng BT với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng do Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái làm nhà đầu tư. Khởi công năm 2017, công trình ban đầu dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng đã dừng từ năm 2020 đến nay khi đạt khoảng 44% khối lượng. Nguyên nhân do vướng mặt bằng và thủ tục thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư.
Tuấn Kiệt
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/thong-tin-moi-ve-go-vuong-cho-du-an-chong-ngap-10-000-ty-o-tphcm-2424358.html