Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Kiến nghị điều chỉnh hạ độ tuổi được nghỉ hưu cho nữ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước là 55 tuổi. Ảnh minh họa
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 cũng quy định điều kiện hưởng lương hưu là khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.
Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi đề nghị xem xét điều chỉnh hạ độ tuổi được nghỉ hưu cho đối tượng nữ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước là 55 tuổi.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết 28, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động năm 2019. Trong đó, Luật này quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu.
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình. Theo đó, mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi
Đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn 5-10 tuổi so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Tâm An