Thông tư 29: Nâng cao chất lượng dạy học chính khóa trong nhà trường

Thông tư 29: Nâng cao chất lượng dạy học chính khóa trong nhà trường
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29), có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư này được coi là cột mốc quan trọng nhằm hạn chế những tiêu cực kéo dài nhiều năm qua trong hoạt động dạy thêm, học thêm. Với nhiều quy định mới, Thông tư 29 không chỉ bảo vệ quyền lợi của học sinh mà còn thúc đẩy tinh thần tự học, đồng thời đặt ra trách nhiệm nâng cao chất lượng dạy học chính khóa trong nhà trường.
Đẩy lùi tiêu cực
Thông tư quy định rõ, việc dạy thêm, học thêm chỉ được thực hiện khi học sinh có nhu cầu, hoàn toàn tự nguyện và có sự đồng ý của phụ huynh. Quan trọng hơn, cấm tuyệt đối mọi hình thức ép buộc học sinh học thêm, đồng thời nhấn mạnh việc dạy thêm phải góp phần phát triển năng lực, phẩm chất học sinh chứ không được cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào các lớp học thêm thu phí. Đây là một động thái cần thiết trong bối cảnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan đã tồn tại và gây nhiều tranh cãi trong nhiều năm qua.
Thông tư số 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm có hiệu lực ngày 14/2/2025 mang đến nhiều hy vọng về cách học và tư duy học mới. Ảnh: TT
Một điểm đột phá của Thông tư 29 là cấm tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học, ngoại trừ các lớp bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao và rèn kỹ năng sống. Giáo viên đang giảng dạy tại trường cũng không được phép dạy thêm ngoài trường với chính học sinh mình đang phụ trách. Quy định này nhằm loại bỏ áp lực vô hình khiến phụ huynh và học sinh buộc phải học thêm để "được điểm tốt", đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng dạy thêm để trục lợi.
Trong khi đó, đối với học sinh trung học, dạy thêm được cho phép nhưng phải tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về thời gian, nội dung và địa điểm. Các nhóm học sinh được ưu tiên học thêm không thu phí bao gồm học sinh có kết quả chưa đạt yêu cầu, học sinh giỏi cần bồi dưỡng nâng cao và học sinh cuối cấp ôn thi tốt nghiệp. Đây là những biện pháp mang tính nhân văn, giúp hỗ trợ các em kịp thời và đúng nhu cầu thực tế.
Biết tự học, học tập suốt đời, không nên chạy theo thành tích
Sau khi Thông tư 29 chính thức có hiệu lực, điều gì sẽ trở nên quan trọng với học sinh và tư duy giáo dục? Câu trả lời sẽ là tư duy tự học. Tự học không chỉ là xu hướng học tập hiện đại mà còn là kỹ năng sống thiết yếu, giúp học sinh phát triển tư duy độc lập, chủ động và sáng tạo. Thay vì lệ thuộc vào lớp học thêm, học sinh cần được hướng dẫn phương pháp tự học, biết cách hệ thống hóa kiến thức và rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện. Điều này sẽ giúp các em tự tin bước vào các bậc học cao hơn và phát huy tối đa năng lực bản thân mà không phải dựa dẫm vào thầy cô hay các lớp học thêm, dạy thêm vì thành tích.
Dạy thêm, học thêm trong hàng thập kỷ qua đã từng là vấn nạn trong hệ thống giáo dục Việt Nam khi biến tướng thành hình thức "bắt buộc" trá hình, khiến không ít phụ huynh lo ngại. Thông tư 29 là tín hiệu tích cực, giúp xóa bỏ tình trạng "điểm tốt phụ thuộc vào việc học thêm", mở ra không gian học tập lành mạnh và công bằng hơn. Đồng thời, đây cũng là lời nhắc nhở các nhà trường về vai trò nâng cao chất lượng giáo dục trong giờ học chính khóa. Nhà trường phải bảo đảm học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức theo chương trình, không để học sinh phải tìm đến lớp học thêm vì thiếu hụt kiến thức.
Nhìn rộng hơn, Thông tư 29 không chỉ là câu chuyện siết chặt dạy thêm, học thêm mà còn phản ánh quyết tâm của ngành giáo dục trong việc cải thiện chất lượng giáo dục cốt lõi, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của thế hệ trẻ. Học thêm, nếu không được kiểm soát, sẽ giết chết tư duy sáng tạo của trẻ em, biến việc học thành một cuộc đua điểm số mệt mỏi. Ngược lại, nếu được định hướng đúng, học thêm có thể trở thành công cụ hữu ích giúp học sinh bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu cá nhân.
Điều quan trọng là mỗi học sinh và phụ huynh cần hiểu rõ mục đích học tập của mình, tránh chạy theo thành tích. Học tập là một hành trình suốt đời và tinh thần tự học mới là "chìa khóa" giúp học sinh phát triển toàn diện.
Những thay đổi từ Thông tư 29 sẽ thúc đẩy mỗi học sinh rèn luyện khả năng tự học và phát triển. Đây là kỹ năng quan trọng, giúp học sinh không chỉ vượt qua kỳ thi mà còn chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách trong học tập và cuộc sống.
Thế Duy
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thong-tu-29-nang-cao-chat-luong-day-hoc-chinh-khoa-trong-nha-truong-373240.html