Cần thiết để nâng cao chất lượng
Ngày 01/11/2024, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BXD về “Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng”, có hiệu lực thi hành từ ngày 16/12/2024. Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu và sử dụng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng, các tổ chức đánh giá sự phù hợp và tổ chức giám định tư pháp về chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. Trong “Danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn nhóm 2 phụ lục II” quy định các sản phẩm số 9, từ số 21 đến số 31 bắt buộc phải kiểm tra trước thông quan theo phương thức 5 thì mới được phép nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam.
Một số chuyên gia và các doanh nghiệp đánh giá, đây là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng tại Việt Nam. Thông tư yêu cầu các sản phẩm trong danh mục nhóm 2 (sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn) phải được kiểm tra hợp quy theo phương thức 5 trước khi thông quan, nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
Một số sản phẩm nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan
Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam - Lê Nam Hải cho biết, Thông tư này được ban hành là vô cùng cần thiết, được các doanh nghiệp hoan nghênh, vì nhiều quốc gia như Thái Lan, Mỹ hay các nước châu Âu đều áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tương tự. Theo ông, việc thiếu các quy định cụ thể trước đây khiến thị trường Việt Nam dễ bị “xâm chiếm” bởi hàng hóa chất lượng kém, giá rẻ, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Bên cạnh đó, khi Thông tư có hiệu lực, hàng hóa nhập khẩu sẽ phải vượt qua quy trình kiểm định khắt khe, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao trước khi đến tay người tiêu dùng. Điều này không chỉ giảm rủi ro về an toàn, mà còn giúp người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng sản phẩm đã qua kiểm duyệt, bảo đảm quyền lợi của họ. Về lâu dài, việc kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp nội địa cải tiến sản phẩm, khẳng định vị thế trên thị trường.
“Nhìn chung, Thông tư số 10/2024/TT-BXD không chỉ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn giúp thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam trở nên minh bạch, cạnh tranh công bằng và bền vững hơn”, ông Nam cho hay.
Doanh nghiệp kiến nghị thay đổi thời gian hiệu lực Thông tư thêm 01 năm
Mặc dù đánh giá cao tính cần thiết của Thông tư, các doanh nghiệp nhập khẩu vật liệu xây dựng lại gặp phải rất nhiều khó khăn do thời gian áp dụng gấp gáp. Chỉ với hơn 3 tuần chuẩn bị kể từ khi ban hành đến khi có hiệu lực, doanh nghiệp cho rằng, họ không đủ thời gian để triển khai quy trình chứng nhận hợp quy theo phương thức 5.
Theo các doanh nghiệp, quy trình này bao gồm nhiều bước phức tạp như: Đăng ký hồ sơ, lập kế hoạch đánh giá, kiểm định tại nhà máy sản xuất nước ngoài, lấy mẫu, vận chuyển mẫu về Việt Nam và chờ kết quả đánh giá. Các công đoạn đòi hỏi nhiều thời gian, nhân lực và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chứng nhận được chỉ định. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hay danh sách các đơn vị đủ điều kiện thực hiện chứng nhận, khiến doanh nghiệp lúng túng và khó lựa chọn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam - Lê Nam Hải nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong nước hiện có rất nhiều công hàng đang trên đường về Việt Nam, nếu Thông tư có hiệu lực ngay từ 16/12/2024 thì hàng sẽ khó có thể kịp thông quan, gây ách tắc tại cảng, khiến doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn từ chi phí lưu công, lưu bãi. Vì vậy, ông đề xuất Bộ Xây dựng nên xem xét gia hạn thời gian hiệu lực thêm ít nhất 3 tháng hoặc lý tưởng là 1 năm, để các doanh nghiệp có đủ thời gian chuẩn bị.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị giãn thời gian Thông tư có hiệu lực. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thời điểm cuối năm cũng là mùa cao điểm xây dựng, sửa chữa nhà cửa, khi nhu cầu vật liệu xây dựng tăng mạnh. Nếu nguồn cung bị gián đoạn do hàng hóa không thể thông quan, giá cả sẽ leo thang, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Việc không kịp đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết không chỉ khiến doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, mà còn gây bất ổn trong nguồn cung đối với một số mặt hàng.
Ngoài việc kiến nghị giãn thời gian áp dụng Thông tư như Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam - Lê Nam Hải đề xuất, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành văn bản hướng dẫn và chỉ định rõ các tổ chức được thực hiện chứng nhận hợp quy theo phương thức 5, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ quy định mà không bị động.
Được biết, hiện tại, một số doanh nghiệp đã có công văn kiến nghị gửi Vụ Vật liệu - Bộ Xây dựng đề xuất thay đổi thời gian có hiệu lực thông tư. Theo doanh nghiệp này, để tuân thủ đúng theo nội dung Thông tư số 10/2024/TT-BXD các doanh nghiệp nhập khẩu đang gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp kiến nghị thay đổi thời gian có hiệu lực của Thông tư số 10/2024/TT-BXD thêm 01 năm để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và thực hiện việc chứng nhận hợp quy theo quy định trong Thông tư được hiệu quả.
Theo đó, doanh nghiệp cho biết theo khoản 3 điều 8 của Thông tư quy định hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan phải căn cứ kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận được chỉ định nhưng Thông tư lại không có quy định và hiện nay cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn, chỉ định các đơn vị được làm chứng nhận hợp quy theo phương thức 5, trong khi thời điểm có hiệu lực thi hành của Thông tư còn hơn 20 ngày nên doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn để lựa chọn đơn vị đánh giá chứng nhận hợp quy.
Quy trình triển khai chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 đối với hàng nhập khẩu được thực hiện qua nhiều bước, nhưng thời gian có hiệu lực từ 16/12/2024 là quá gấp để đáp ứng quy trình này.
Tại thị trường Việt Nam, danh mục hàng hóa áp dụng theo Thông tư số 10/2024/TT-BXD đang được nhập khẩu từ nhiều quốc gia. Các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, thanh toán nhiều đơn hàng và hiện tại đang trong quá trình sản xuất nên với thời gian Thông tư có hiệu lực từ 16/12/2024 sẽ gây tổn thất lớn đến các doanh nghiệp vật liệu xây dựng, đặc biệt vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu mua sắm, xây sửa nhà cửa đang tăng cao.
Các doanh nghiệp nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng nhấn mạnh, các quy định pháp luật đều nhằm mục đích chung là giải quyết những vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển nên khẩn thiết kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét thay đổi thời gian hiệu lực thêm 01 năm đối với Thông tư số 10/2024/TT-BXD để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và tuân thủ theo quy định của Thông tư được hiệu quả nhất.
Phùng Xuân