Ngày 4/2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin về ca bệnh hiếm gặp. Bệnh nhân là chị L.T.T (46 tuổi, dân tộc Tày ở Tuyên Quang), được chẩn đoán ung thư da đầu và đã trải qua bốn lần mổ trước tại một bệnh viện khác.
Tuy nhiên, vì ung thư tái phát, chị T là người dân tộc sống ở vùng cao nên chị không thể đến bệnh viện sớm. Khi khối u lan rộng, chị T mới đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị. Khối u xuất hiện nhiều vị trí, toàn bộ vùng da ung thư chiếm tới 2/3 da đầu, nóng và có điểm chảy máu, kèm theo những vùng da cũ từ các lần phẫu thuật trước. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối u đã xâm lấn vào xương sọ, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa phẫu thuật tạo hình - vi phẫu, phẫu thuật thần kinh…
Theo các bác sĩ điều trị, mục tiêu phẫu thuật không chỉ là loại bỏ khối u, cắt vùng xương sọ bị xâm lấn mà còn phải tái tạo lại da đầu và xương vòm sọ để đảm bảo chức năng bảo vệ hộp sọ cũng như thẩm mỹ và cho người bệnh. Đội ngũ chuyên gia đã lên kế hoạch tỉ mỉ, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho một ca mổ kéo dài nhiều giờ đồng hồ.
Bệnh nhân bị ung thư da đầu xâm lấn xương sọ trước và sau phẫu thuật (ảnh BVCC).
TS.BS Bùi Mai Anh, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình và Thẫm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ: Bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u da đầu, bao gồm cả phần xương sọ bị xâm lấn. Ca mổ được phối hợp cùng bác sĩ phẫu thuật thần kinh để cắt phần xương sọ bị ảnh hưởng. Mục tiêu là tái tạo lại hình thể da đầu và vùng đầu của bệnh nhân một cách tốt nhất giúp bệnh nhân đạt được cả phần xương sọ tạo hình lẫn phần da đầu tạo hình che phủ trong cùng một lần mổ.
Sau khi cắt bỏ xương sọ, bác sĩ sẽ sử dụng vật liệu titan để tạo hình lại phần xương sọ, đồng thời che phủ miếng lưới titan bằng da lấy từ đùi bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu. Do diện tích phải cắt bỏ rất rộng (khoảng 25 x 30 cm, gần như toàn bộ da đầu), các bác sĩ đã phải lấy phần da từ đùi và chia vạt da thành các đảo da một cách linh hoạt đủ ôm trọn hình thể hộp sọ để tái tạo lại chức năng và thẩm mỹ cho người bệnh.
Đây là một trong những kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực vi phẫu thuật do phải đảm bảo việc phẫu tích mạch không làm tổn thương các nhánh xuyên da rất nhỏ (<0.5mm) cấp máu tới từng đảo da. Sau đó, vạt da dạng chùm được chuyển lên vùng đầu và nối mạch máu với kích thước rất nhỏ để vạt da có thể sống. Ca phẫu thuật kéo dài 12 giờ đồng hồ.
Bác sĩ thăm khám lại cho bệnh nhân sau phẫu thuật (ảnh BVCC)
TS.BS Bùi Huy Mạnh, Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1 tham gia ca mổ cho biết: "Bệnh nhân có khối ung thư da đầu xâm lấn xương sọ nên có chỉ định cắt bỏ phần xương sọ bị xâm lấn và được tạo hình lại hộp sọ cùng thì là cần thiết để bảo vệ tổ chức thần kinh trung ương. Việc phối hợp giữa các chuyên khoa trong những bệnh lý khó như ca bệnh này sẽ mang lại kết quả tối ưu cho bệnh nhân".
Sau hơn 1 tháng phẫu thuật, tình trạng da đầu của bệnh nhân đã ổn định tốt. Hiện tại, bệnh nhân đã phục hồi cả về mặt chức năng và thẩm mỹ.
Quay trở lại với cuộc sống thường ngày, chị T xúc động chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể vượt qua được căn bệnh này. Nhờ sự tận tâm và tay nghề tuyệt vời của các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tôi đã được trao cơ hội sống một lần nữa".
Vũ Vũ