Anh Nguyễn Xuân Huy trưng bày nhiều tác phẩm đồ gỗ mỹ nghệ độc đáo trong không gian phòng khách.
Diện tích khá rộng rãi nhưng căn phòng khách của anh Nguyễn Xuân Huy (khu Tân Long, thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng) lại không dùng để... tiếp khách như thông thường, mà là nơi để anh trưng bày một cách trân trọng, nâng niu hàng chục món đồ gỗ mỹ nghệ lớn nhỏ, đủ hình dáng, thần thái, hoa văn... Theo đuổi thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ từ nhiều năm nay, anh Huy càng say mê và nhận ra rất nhiều điều thú vị. Đồ gỗ tiêu biểu cho hành Mộc, hành Mộc lại tượng trưng cho mùa Xuân, việc bày trí đồ gỗ trong nhà sẽ mang lại sự bình yên, hài hòa, ấm cúng. Nếu như gỗ nội thất được ưa chuộng bởi sự tiện nghi, sang trọng, độ bền cao, thì các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được yêu thích bởi sự độc đáo, sáng tạo, vừa có thể trang trí, vừa chứa đựng nhiều yếu tố phong thủy, tâm linh như: Tượng Phật Di Lặc, thiềm thừ, tứ linh hội tụ, mã đáo thành công, thuyền buồm, lục bình...
“Mỗi sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ thường không có giá nhất định mà thông qua cái duyên cũng như sự đánh giá, cách chơi của mỗi người mà sẽ có giá trị khác nhau. Đối với hàng mỹ nghệ được làm từ gỗ quý, dáng lạ thì chi phí bỏ ra để sở hữu là không nhỏ. Lại có những tác phẩm, xét về giá trị gỗ thì chẳng có gì, vì được chế tác từ gỗ tạp, từ gốc cây ở góc sân... nhưng khi được nghệ nhân “thổi hồn”, chạm trổ, điêu khắc thì lại trở nên độc đáo, rất có giá trị nghệ thuật, thậm chí độc nhất vô nhị” - anh Huy chia sẻ.
Cũng theo anh Huy, người chơi đồ gỗ mỹ nghệ thường yêu thích những khúc gỗ nu- chính là phần vết thương của cây hình thành do bị sâu bệnh, sét đánh, chặt chém... sau đó được cây tích tụ chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng và chữa lành qua nhiều năm, tạo thành những khối u, cục sần lớn. Những khúc gỗ nu thường có chất lượng tốt, tuổi thọ cao, màu sắc, đường vân tự nhiên đẹp và đặc sắc hơn so với cây gỗ chủ. Trước kia, nu được xem như cục bướu thừa của cây, chỉ có thể cắt bỏ và vứt đi. Ngày nay, với giới chơi đồ gỗ mỹ nghệ, những khúc nu, nhất là nu của những cây gỗ quý được coi là vật liệu “thượng phẩm”, hứa hẹn tạo tác nên những bức tượng lạ, hiếm, độc nên luôn hấp dẫn người chơi.
Tượng Phật Di Lặc được chạm khắc thủ công, tinh xảo từ gỗ ngọc am là bức tượng được anh Hoàng Minh Toàn yêu thích nhất.
Cùng chung đam mê với anh Huy, đối với anh Hoàng Minh Toàn (khu Trầm Sào, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì), thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ còn giúp anh lấy lại năng lượng, cân bằng cuộc sống. Bước vào căn nhà của anh Toàn, sẽ luôn thấy mùi hương thoang thoảng, dịu nhẹ, thư thái. Đó là mùi thơm từ những bức tượng gỗ ngọc am được anh Toàn tâm huyết sưu tầm từ nhiều năm nay.
Trong đó, bức tượng được anh yêu thích nhất là tượng Phật Di Lặc dưới gốc tùng cao đến 2,5m, chạm khắc thủ công, tinh xảo, được anh cất công mang từ Hà Giang về. Một bên là công việc kinh doanh vô cùng vất vả, bận rộn. Bên kia, thú chơi đồ gỗ mỹ nghệ không chỉ mang đến giá trị về phong thủy cho gia đình mà còn cho anh Toàn những phút thư giãn, trầm tĩnh hơn giữa cuộc sống xô bồ.
“Công việc kinh doanh đi nhiều nơi tạo cơ hội cho tôi tìm tòi, khám phá, sưu tầm đồ gỗ mỹ nghệ. Đối với tôi, niềm vui sau một ngày làm việc vất vả không chỉ là sum họp cùng gia đình mà còn là được ngắm nghía, chạm tay vào những bức tượng mình yêu thích. Mỗi lần tận hưởng, hít hà mùi hương tỏa ra từ gỗ, suy ngẫm về ý nghĩa, thông điệp, những điển tích điển cố trong đó để nhận ra cái hồn, thần thái của bức tượng, dường như mọi mệt mỏi đều tan biến”.
Phan Uyên