Thú chơi thủy sinh

Thú chơi thủy sinh
14 giờ trướcBài gốc
Anh Lê Ngọc Hoàng (bên phải) tư vấn khách hàng cách chọn loại cá nuôi trong bể thủy sinh - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Thu hút nhiều người trẻ
Thú chơi thủy sinh được hiểu đơn giản là mô phỏng không gian thiên nhiên vào một bể nước bằng thực vật thủy sinh. Với bể cá đơn thuần chỉ dùng để nuôi cá thì bể thủy sinh là sự phối cảnh hài hòa giữa cây xanh, gỗ lũa, đá và các loại cá khác nhau tạo thành một thủy cảnh sinh động, thẩm mỹ.
Anh Nguyễn Tân (40 tuổi), trú tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh tìm đến thú chơi thủy sinh cách đây 3 năm trước. Là người lao động trí óc nên anh Tân thường xuyên bị căng thẳng. Để thư giãn, thả lỏng tâm trí sau giờ làm việc, anh tìm hiểu, nghiên cứu rồi mua bể kính cùng những vật liệu cần thiết để tự lắp đặt một bể thủy sinh đơn giản tại nhà. “Bể kính tôi đặt thợ làm, sau đó tìm các loại gỗ lũa, đá cuội sắp đặt vào bể. Tôi tìm đến một cửa hàng bán cá cảnh để mua một số loại cá dễ nuôi như: neon, cánh buồm, thần tiên... và đặt mua một cặp rùa cảnh trên mạng internet. Sau khi làm bể thủy sinh này, các con của tôi cũng rất thích”, anh Tân chia sẻ.
Thú chơi thủy sinh tùy thuộc vào sở thích, tính cách của mỗi người. Anh Tân thích tự mày mò, tìm hiểu để làm nên bể thủy sinh của riêng mình trong khi đó một số khác lại chọn phương án thuê người chuyên nghiệp về tận nhà để thiết kế một bể thủy sinh bài bản. Anh Trần Sáng (35 tuổi) ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh là một ví dụ. Sau khi ra riêng, anh Sáng được người thân tặng một bể kính khá đẹp. Nhận thấy phòng khách còn trống, trong khi bể kính lại để không nên anh Sáng đã liên hệ với anh Lê Ngọc Hoàng, trú ở Khu phố 2, Phường Đông Lương, TP. Đông Hà - người nuôi cá cảnh, thiết kế, thi công bể thủy sinh chuyên nghiệp.
Anh Lê Ngọc Hoàng làm nghề tư vấn, thiết kế, thi công và cung cấp các thiết bị phục vụ cho hồ cá thủy sinh chuyên nghiệp từ năm 2023 - Ảnh: TRẦN TUYỀN
“Qua trao đổi và thống nhất phương án thiết kế, anh Hoàng mang theo cá, nguyên vật liệu cần thiết rồi ra tận nhà tôi sắp đặt bể thủy sinh. Sau gần 2 giờ đồng hồ, tôi đã có một bể thủy sinh như ý. Tôi không nghĩ từ một bể cá đơn giản, anh Hoàng lại thiết kế được một bể thủy sinh đẹp như vậy. Sau khi làm xong, tôi được anh hướng dẫn cách chăm sóc thực vật thủy sinh, vệ sinh nguồn nước, chăm đàn cá cảnh... Ban đầu cứ nghĩ đơn giản nhưng khi dấn thân vào chơi mới biết nó không phải dễ”, anh Sáng chia sẻ.
Thú chơi cũng lắm công phu
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay anh Hoàng là người duy nhất trên địa bàn tỉnh hành nghề tư vấn, thiết kế, thi công và cung cấp các thiết bị phục vụ cho hồ cá thủy sinh chuyên nghiệp.
Trước đây, anh Hoàng tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Huế, Đại học Huế. Sau đó anh học cao học ngành Quản lý kinh tế tại Trường Đại học Thủy lợi TP. Hồ Chí Minh. Năm 2023, vì một biến cố gia đình nên anh quyết định trở về quê lập nghiệp. “Tôi có sở thích và niềm đam mê nuôi cá cảnh, làm bể thủy sinh từ những năm học trung học cơ sở. Lúc bấy giờ, tôi tự tìm hiểu qua sách báo, mạng internet rồi mày mò thực hiện. Những lần đầu, kết quả không như mong đợi, nuôi được vài bữa thì cá chết. Bởi còn tập trung vào việc học nên sau đó tôi nghỉ nuôi cá một thời gian. Quãng thời gian trở về quê, tôi tự làm thêm vài bể thủy sinh để chơi. Sau đó, một người quen mua bể thủy sinh này với giá 2,5 triệu đồng. Đó là bể thủy sinh đầu tiên tôi bán”, anh Hoàng nhớ lại.
Như một nhân duyên, từ đó anh đi theo nghề tư vấn, thiết kế, thi công và cung cấp các thiết bị phục vụ cho hồ cá thủy sinh chuyên nghiệp. Theo anh Hoàng, để làm được một bể thủy sinh hoàn chỉnh cần có những thứ thiết yếu như: bể kính, máy lọc nước, đèn chiếu sáng, phân nền, gỗ lũa, đá để tạo hình bố cục cho bể. Khi bố cục trong bể đã hoàn thành thì mới đặt vào bể cây thủy sinh, cá, tôm, tép, ốc... Muốn môi trường của bể thủy sinh phát triển khỏe mạnh thì phải có một bộ lọc nước tốt để tạo nên hệ vi sinh ổn định, hỗ trợ cho nguồn nước luôn đảm bảo trong sạch. Cùng với đó là đèn chiếu sáng để cung cấp ánh sáng cho cá, cây sinh trưởng và tăng thẩm mỹ cho bể thủy sinh.
Bể thủy sinh là sự phối cảnh hài hòa giữa cây xanh, gỗ lũa, đá và các loại cá khác nhau - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Đối với bể thủy sinh, hệ thực vật đẹp thì bể sẽ đẹp. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại cây để nuôi trong bể thủy sinh, như: dương xỉ, rêu, trân châu, cỏ đậu nành, phượng vĩ đài, đàn thảo, cỏ lá tròn, cỏ đăng tâm, rong cúc, thanh hồng điệp... Đối với những khách hàng muốn trồng cây thủy sinh “đỏ” (loài cây có lá và thân màu đỏ) thì phải trang bị thêm bình cung cấp khí CO2. Tùy theo nhu cầu, sở thích, khả năng kinh tế, mỗi người sẽ có những sáng tạo cách chơi của riêng mình.
Anh Hoàng cho hay, thú chơi thủy sinh không phụ thuộc vào lứa tuổi mà tùy vào hiểu biết, nhu cầu và sự sáng tạo của mỗi người. Tuy nhiên, người chơi thủy sinh phải tỉ mỉ, cẩn thận, thường xuyên theo dõi, kiểm tra môi trường nước cũng như sức khỏe của các loại cá, loại cây. “Để bể thủy sinh sinh trưởng, phát triển hài hòa, ổn định thì cần phải nghiên cứu tập tính các loại cá. Bể thủy sinh gia đình thường nuôi 3 loại, sinh sống ở 3 tầng nước khác nhau. Trong đó, cá ở tầng đáy để làm vệ sinh bể (thường gọi là cá dọn bể), gồm có: cá chuột, nô tì, bút chì, mún đỏ, mún lửa short... Cá tầng giữa tô điểm cho bể như: thạch mỹ nhân, neon, hồng my, cánh buồm, diếc anh đào... Cá tầng mặt gồm có: cá 7 màu, kiếm, sọc ngựa... Trong những loài này, đẹp mắt nhất là cá neon vua, có giá trị cao nhất là cá thạch mỹ nhân và đại trà nhất, dễ nuôi nhất là cá cánh buồm”, anh Hoàng lý giải.
Anh Hoàng kể, bể thủy sinh tốn nhiều thời gian nhất mà anh từng thiết kế, thi công là khoảng 3 tuần. Còn với những bể đơn giản thì chỉ mất từ 1 - 2 giờ đồng hồ. Kinh phí để sở hữu một bể thủy sinh tùy vào kích thước và sự cầu kỳ, phức tạp của bể. Bể nhỏ nhất có giá từ 1 - 2 triệu đồng, bể lớn nhất có giá từ 30 - 35 triệu đồng. Hiện nay, khách hàng của anh chủ yếu trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Nếu khách hàng ở tỉnh xa có nhu cầu thì anh vẫn nhận hợp đồng thiết kế, thi công.
“Thời gian qua, có nhiều người tìm đến cơ sở của tôi để mua cá, nhờ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ thiết kế, thi công bể thủy sinh. Đối với người mới chơi thủy sinh tại nhà, tôi luôn tư vấn họ lưu ý bật đèn chiếu sáng dưới 7 giờ/ngày và cho thức ăn với số lượng ít để tránh làm nguồn nước bị bẩn, bể bám rong rêu. Đặc biệt, khi thay nước, cần phải giữ lại trên 50% lượng nước cũ trong bể để tránh cho sinh vật nuôi bị sốc nước do chênh lệch độ pH”, anh Hoàng nói.
Chia sẻ về những dự định, kế hoạch trong thời gian tới, anh Hoàng cho biết sẽ đầu tư thiết kế, thi công thêm nhiều bể thủy sinh thẩm mỹ, mở rộng cơ sở và luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật chơi thủy sinh cho những ai có nhu cầu.
Trần Tuyền
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/thu-choi-thuy-sinh-191843.htm