Tỉa hoa rèn tính… kiên trì
Là một người thích hoa thủy tiên nhiều năm, nhưng chưa năm nào chị Như Ngọc (Hà Nội) thử tỉa cho mình một bát hoa bởi độ cầu kỳ của loài hoa này. Thời gian gần đây, muốn thử sức với thú chơi này nên chị Ngọc quyết định lên mạng tìm đặt mua cho mình vài củ thủy tiên cùng bộ dao về thực hành. Thông thường một bình hoa thủy tiên gọi là "chơi được" có giá trung bình từ 800.000 - 1.200.000đ. Nếu tự mua củ về tỉa thường có giá thấp từ 60.000đ/củ, cao thì tới vài trăm nghìn/củ, như vậy nếu tự tỉa và chăm thì sẽ có được bình thủy tiên chơi Tết rẻ hơn nhiều.
Theo như chị Như Ngọc, để có được một bình thủy tiên đẹp, có đầy đủ cả bộ rễ dài trắng muốt, hoa nhiều, dáng đẹp không đơn giản chút nào. Bản thân chị Ngọc đã xem các đoạn hướng dẫn trên youtube nhiều lần song phải tỉa tới 3-4 củ mới gọi là quen tay dao. Thủy tiên sau khi gọt cũng giống như một người vừa bị thương, nếu không chăm chút chữa lành, làm sạch các vết thương, hoa dễ bị thối hỏng.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm chơi hoa thủy tiên, chị Kiều Thị Hải (Hà Nội) cho biết, hoa thủy tiên thực ra chơi dễ mà khó song đều đòi hỏi sự kiên trì. Dễ thì cứ mặc kệ, chẳng tỉa gọt gì hết, ngày ngày thay nước sạch, củ cuối cùng cũng bật ra mầm xanh, lá lên mướt mát như mạ non đầu mùa, mạnh mẽ khỏe khoắn, và hoa "đến thì phải nở" cũng bung xòe rực rỡ. Nhưng cái khó của thủy tiên là cũng củ ấy, lá ấy, hoa ấy, làm sao gọt, tỉa, ủ ấm, phơi lạnh cho hoa nở đúng cữ giao thừa, mùng 1. Nhà nào gọt được củ thủy tiên nở đúng "giờ vàng" ấy, coi như năm mới sẽ đầy may mắn, phúc lộc thọ… Nhà nào nở loanh quanh trong Tết, miễn là vẫn vào mấy ngày đầu năm, thì tặc lưỡi "sang năm rút kinh nghiệm".
Người có kinh nghiệm mới tìm được củ già, rồi ngắm xem mặt nào là mặt trước của củ để lựa thế gọt tạo dáng. Số mầm hoa thường là con số lẻ; 5,7 mầm hoa là chuẩn nhất. Lá cũng phải tỉa trong -ngoài để có dáng mềm mại, cong uốn lượn theo thế của củ và mầm hoa. Người cầu kỳ thì dùng lạt mềm để tạo dáng.
Chưa dừng lại ở đó, kỹ thuật dùng dao tỉa cũng phải rất khéo léo, tỉ mỉ, những nhát cắt lượn, lách khéo léo giữa những lớp lá, lớp vỏ, bao hoa… tách lớp vỏ mỏng bên ngoài mà bên trong phải còn nguyên vẹn. Lỡ tay gọt sâu thì vào thịt củ, khiến củ không đủ chất dinh dưỡng nuôi mầm, gãy lá. Nếu không may lỡ tay làm mất cả mầm hoa thì chỉ khóc trong nước mắt, bởi có được một củ thủy tiên khi đó thôi là cả niềm kiêu hãnh.
Một tác phẩm hoa thủy tiên được trưng bày.
Mong người già, người trẻ đều có một sân chơi bổ ích
Cách đây ít ngày, tại phố Hàng Buồm (Hà Nội), Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã phối hợp cùng Hội hoa thủy tiên Hà Nội tổ chức một cuộc trưng bày ảnh và hoa thủy tiên với chủ đề "Khôi phục và phát triển nghệ thuật gọt tỉa hoa thủy tiên của người Hà Nội". Tại đây, hàng trăm tác phẩm nghệ thuật về hoa thủy tiên đã được người chơi ở nhiều tỉnh, thành hào hứng mang tới. Những bát hoa không chỉ đơn thuần là lá và hoa mà còn được sáng tạo thành hình con gà, con rắn, chim công hay thậm chí cả hình con rồng.
Điều đáng chú ý, trong số đông khách tham dự thì có không ít là giới trẻ với tuổi chừng 20-30. Họ đến buổi trưng bày không chỉ tham quan các tác phẩm mà còn coi đây như cơ hội được học hỏi kinh nghiệm tỉa hoa chọn củ từ các cao nhân của Hà Nội.
Có mặt tại phố Hàng Buồm để chia sẻ kinh nghiệm với giới trẻ, bác Nguyễn Phú Cường (nhà ở phố Xã Đàn) - một trong những người chơi, cũng là người tích cực tìm cách khôi phục lại thú chơi tỉa hoa thủy tiên cho hay, thú chơi hoa thủy tiên của người Hà Nội đã có từ lâu đời, không ai biết chính xác nó xuất hiện từ khi nào. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu ghi chép, thì thú chơi này có thể bắt nguồn từ thời nhà Lê (thế kỷ XV - XVIII). Vào thời điểm đó, hoa thủy tiên được xem là một loại hoa quý, chỉ dành cho vua chúa và tầng lớp quý tộc. Với những nghệ nhân gọt củ thủy tiên, khoảng tuần đầu tiên của tháng chạp là thời gian lý tưởng để bắt đầu gọt củ, chuẩn bị cho lứa hoa nở đúng đêm Giao thừa, kịp cho gia chủ bày hoa thủy tiên ngát hương trên bàn thờ gia tiên hay bàn tiếp khách.
Người chơi hoa xưa quan niệm rằng, có một bình hoa nở đúng giao thừa thì năm mới sẽ có nhiều điều tốt đẹp đến với gia đình. Hoa nở báo hiệu một năm mới tài lộc sung túc, mọi điều may mắn, phước lành an khang sẽ đến với gia chủ và những người thân yêu. Ngày xưa các cụ chỉ truyền khẩu nghệ thuật chơi hoa thủy tiên. Các nhà văn tiền chiến cũng chỉ viết lên cái đẹp, cái quý của hoa thủy tiên mỗi độ xuân về. Có người thì chỉ viết về các cuộc thi hoa vào lúc giao thừa, chứ chưa ai chỉ vẽ cách gọt tỉa, chăm sóc như thế nào để có một bát hoa theo ý của mình cả. Trải qua một thời gian dài sau chiến tranh, văn hóa chơi hoa thủy tiên đã thất truyền.
"Cho đến những năm 1990, tôi cùng một nhóm người ở làng Quảng Bá (Hà Nội) đã tìm cách khôi phục lại thú chơi này", bác Nguyễn Phú Cường bày tỏ. Bác cũng vui vẻ chia sẻ thêm, nếu trước đây, đối tượng chơi thủy tiên chủ yếu là người có tuổi, bởi cần nhiều sự kiên nhẫn, kinh nghiệm thì giờ đây nét tinh hoa này cũng đang thực sự nhận được sự yêu thích, tìm tòi của người trẻ. Nhiều công đoạn khó nhất để tỉa được một bông hoa thủy tiên đẹp đều được giải quyết bằng việc tham gia các lớp học, workshop hay tiện nhất chính là học và làm theo các clip trên youtube, tiktok. Lối chơi thủy tiên ngày nay không chỉ đơn thuần là chơi trên ly như ngày xưa, mà còn mang đến sự đa dạng và sáng tạo.
Giới trẻ không ngần ngại thể hiện khả năng sáng tạo thông qua việc tạo hình, bài trí và sắp xếp hoa. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ cũng đã tạo ra cơ hội cho cộng đồng người trẻ chơi kết nối và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, cũng như tìm kiếm nguồn giống đa dạng và phong phú hơn.
Hiện nay, với sự đa dạng của thị trường, ngày Tết luôn xuất hiện những loại hoa ngoại nhập mới có mẫu mã đẹp mắt, song thú chơi truyền thống, tao nhã, giản dị nhưng mang đến sự tinh tế như gọt hoa thủy tiên "vốn Hà Nội" vẫn được tỏa sáng nhờ lớp thế hệ "măng mọc" tiếp tục phát huy.
Nhật Uyên