Ngày 15/2, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh bắt 24 người để điều tra hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Động thái này được Công an tỉnh Tây Ninh thực hiện trong quá trình phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và Bộ đội biên phòng rà soát 177 người vừa được chính quyền Campuchia tạm giữ tại TP Bavet (tỉnh Svayrieng, Campuchia).
Nhóm người lừa đảo bị bắt giữ.
Theo điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định tại TP Bavet, HeYuki - ông chủ người Trung Quốc và người tên A Lửng (quản lý) thuê tầng 3 và 4, tòa 11, khu Kim Sa 4 để thành lập công ty hoạt động lừa đảo.
Thủ đoạn nhóm này là sử dụng ứng dụng có tên “Tình yêu” (hay còn gọi là app “2.1”) kết hợp với việc mua đường link "https://web.sandsking.top/#/" để dẫn đến trang web có tên "Casino Bay Sands".
Công ty lập ra nhiều nhóm và phân công vai trò, nhiệm vụ như: quản lý, hậu đài, sale, nhân sư, hậu cần... Các tổ làm việc riêng lẻ, không biết việc tổ khác.
Tại đây, nhân viên người Việt Nam được giao nhiệm vụ "cào khách" (dẫn dụ đặt cược, đầu tư); "giết khách" (khách không còn tài chính sẽ đóng tài khoản, xóa dấu vết)... Nạn nhân chủ yếu là người Việt Nam.
Cụ thể, người mới khi vào làm việc sẽ được hướng dẫn cách lừa đảo và được giao máy tính, điện thoại. Sau đó, được đào tạo giả danh trên mạng xã hội là người làm việc cho các tập đoàn, bảo trì dự án kinh doanh casino hoặc xổ số trực tuyến trong và ngoài nước để tạo lòng tin.
Trong quá trình tiếp cận nạn nhân, người lừa đảo sẽ khai thác thông tin về tài sản rồi dẫn dụ nhiều lý do phải gửi đường link nhờ giúp chơi cá cược và cho ra kết quả thắng, rút tiền dễ dàng.
Tiếp theo, chúng rủ rê khách hàng tham gia cá cược, đầu tư tài chính với hứa hẹn lợi nhuận cao.
Khi nạn nhân đầu tư số tiền lớn hơn, hệ thống sẽ khóa lệnh rút tiền và yêu cầu nạp thêm để "giải phóng tài khoản". Đến khi nạn nhân không còn khả năng tài chính, nhóm lừa đảo sẽ cắt đứt liên lạc, xóa dấu vết hay còn gọi là "giết khách" - thuật ngữ riêng của nhóm lừa đảo để nói về việc đã dụ dỗ khách đặt cọc, chuyển tiền thành công.
Những người bị bắt giữ hầu hết khai rằng bản thân bị lừa qua Campuchia với công việc khác, song đến nơi thì bị đánh đập, ép làm công việc lừa đảo.
Điển hình, một phụ nữ 36 tuổi khai ban đầu bị lừa sang Campuchia bán trái cây, sau đó bị đánh bắt gọi điện lừa đảo. Cô không đồng ý nên bị bán qua tay 2 công ty. Đến nơi thứ 3, vì không muốn bị đánh nữa nên phải nhận làm "sale", chuyên dụ dỗ khách vào các trang cờ bạc.
Cơ quan điều tra xác định có 5/20 tài khoản dùng để lừa đảo có số tiền trên 500 tỷ đồng. Nếu tính hết các tài khoản còn lại, số tiền lừa đảo sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã làm việc với 6 nạn nhân bị chiếm đoạt trên 35 tỷ đồng.
Hiện Phòng Cảnh sát Hình sự tỉnh Tây Ninh đang phối hợp Bộ Công an để xác định vai trò của từng nghi can, truy bắt những người liên quan.
Tuệ Lâm - Tuyết Nhung