Thủ đoạn để ngoài sổ sách hàng ngàn tấn đất hiếm của Chủ tịch Công ty Thái Dương

Thủ đoạn để ngoài sổ sách hàng ngàn tấn đất hiếm của Chủ tịch Công ty Thái Dương
3 giờ trướcBài gốc
Như PLO đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra về sai phạm khai thác đất hiếm tại xã Yên Phú (Văn Yên, Yên Bái) và đề nghị truy tố 27 bị can.
Theo kết luận, Công ty Thái Dương được cấp phép khai thác đất hiếm tại xã Yên Phú. Sau khi được cấp giấy phép, công ty không thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Bị can Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương) chỉ đạo cấp dưới tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú với tổng giá trị hơn 864 tỉ đồng, thu lời bất chính hơn 736 tỉ đồng.
Bị can Đoàn Văn Huấn (trái) và bị can Nguyễn Văn Chính
Ngoài tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nêu trên, Đoàn Văn Huấn và nhiều bị can khác bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, khi bán quặng đất hiếm và quặng sắt, Đoàn Văn Huấn và Nguyễn Văn Chính (Công ty Thái Dương) đã thỏa thuận, thống nhất với các bị can Lưu Anh Tuấn, Trương Thị Hiển (Giám đốc và Kế toán Công ty Đất hiếm Việt Nam); Đặng Trần Chí, Phạm Thị Hà (Giám đốc và Kế toán Công ty Hợp Thành Phát) để xuất hóa đơn với giá thấp hơn thực tế để giảm số thuế phải nộp.
Giai đoạn 2019-2023, Công ty Thái Dương bán cho Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam hơn 3,5 triệu kg quặng đất hiếm hàm lượng TREO 18-20% với số tiền thanh toán hơn 142 tỉ đồng. Tuy nhiên, Công ty Thái Dương chỉ xuất 3 hóa đơn và kê khai thuế đối với hơn 765.000 kg, trị giá ghi trên hóa đơn là 10,7 tỉ đồng.
Tương tự, các năm 2020-2022, Công ty Thái Dương xuất 31 hóa đơn bán hơn 24 triệu kg quặng sắt cho Công ty Hợp Thành Phát với tổng giá trị hơn 22 tỉ đồng. Tuy nhiên giá trị thanh toán thực tế là hơn gần 30 tỉ đồng.
Với cách thức nêu trên, Công ty Thái Dương để ngoài sổ sách kế toán, không kê khai thuế tổng số tiền hơn 27 tỉ đồng, gây thiệt hại về thuế hơn 9,6 tỉ đồng.
Lời khai tại quá trình điều tra cho thấy ông Huấn đã thỏa thuận với ông Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam) trao đổi về giá mua bán thực tế quặng đất hiếm dao động từ 38-46 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên 2 công ty chỉ ký hợp đồng, xuất hóa đơn theo giá nhà nước quy định là 14 triệu đồng/tấn (chưa VAT).
Số tiền bán quặng ghi trên hóa đơn được chuyển vào tài khoản Công ty Thái Dương còn khoản tiền chênh lệch thì trả bằng tiền mặt. Ông Huấn chỉ đạo Nguyễn Văn Chính, Phó Tổng giám đốc kiêm Kế toán trưởng công ty không hạch toán, không khai báo thuế.
Sau khi mua quặng sắt, Công ty Hợp Thành Phát đã bán hơn 34.089 tấn trị giá hơn 64 tỉ đồng (chưa VAT) nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai báo cáo thuế, che giấu doanh thu, để ngoài sổ kế toán gây thiệt hại hơn 9 tỉ đồng tiền thuế.
Công ty Đất hiếm Việt Nam đã sử dụng quặng đất hiếm trên để chế biến thành “tổng Ô xít đất hiếm” (hàm lượng TREO 95-97%). Kết luận điều tra cho thấy ông Tuấn đã chỉ đạo nhân viên khai báo hải quan gian dối là hàng hóa được sản xuất từ một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu nhằm xuất lậu hơn 474 tấn tổng ôxit đất hiếm có trị giá hơn 379 tỉ đồng để bán cho các công ty nước ngoài với thuế xuất khẩu 0%.
Năm 2022, doanh thu và lợi nhuận của công ty tăng cao do xuất khẩu tổng ôxit đất hiếm với thuế suất 0% trong khi nguồn nguyên liệu mua vào phần lớn không có hóa đơn. Để hạch toán giảm doanh thu, ông Tuấn đã chỉ đạo nhân viên liên hệ để lấy 15 hóa đơn trị giá hơn 16 tỉ đồng mua bán hóa chất từ các công ty thường xuyên cung cấp hóa chất cho công ty.
Điều này được hợp thức hóa bằng cách ông Tuấn ký vào lệnh chuyển tiền từ tài khoản công ty đến tài khoản các công ty theo số tiền ghi trên hóa đơn. Sau khi nhận được tiền, các công ty này giữ lại số tiền thuế và các chi phí liên quan, số còn lại chuyển trả cho Công ty Đất hiếm bằng cách đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân của Công ty Đất hiếm.
CQĐT xác định, Công ty Đất hiếm Việt Nam sử dụng 14/15 hóa đơn để kê khai vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, gây thiệt hại về thuế hơn 4 tỉ đồng.
Trong vụ án này, bị can Đoàn Văn Huấn bị đề nghị truy tố về 3 tội: vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và gây ô nhiễm môi trường.
Có 7 người là cựu lãnh đạo, nhân viên Bộ TN&MT và Sở TN&MT tỉnh Yên Bái bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trong đó có bị can Nguyễn Linh Ngọc, cựu thứ trưởng Bộ TN&MT; Nguyễn Văn Thuấn, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hoàng Văn Khoa, cựu vụ trưởng Vụ Khoáng sản; Hồ Đức Hợp, cựu giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái…
Các bị can khác trong vụ bị đề nghị truy tố về các hành vi khác như: Buôn lậu; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định kế toán…
BÙI TRANG
Nguồn PLO : https://plo.vn/thu-doan-de-ngoai-so-sach-hang-ngan-tan-dat-hiem-cua-chu-tich-cong-ty-thai-duong-post832725.html