Thủ đoạn mới tinh vi của đối tượng lừa đảo trong đầu tư, mua bán nhà

Thủ đoạn mới tinh vi của đối tượng lừa đảo trong đầu tư, mua bán nhà
3 giờ trướcBài gốc
Quá trình xét xử cho thấy, từ tháng 4 đến tháng 7-2022, Trần Đặng Thanh Tùng đưa ra thông tin gian dối với nhiều người về việc nữ bị cáo này là nhân viên môi giới bất động sản, có một số quan hệ ngoại giao với các chủ đầu tư của dự án khu đô thị lớn ở huyện Văn Giang, Hưng Yên.
Bị cáo giới thiệu với nhiều người rằng bản thân có các căn hộ ngoại giao vị trí đẹp, giá rẻ dành cho các cá nhân thuộc tập đoàn cần đầu tư góp vốn dưới hình thức “lấp căn”để hưởng lợi nhuận. Theo lời Tùng, hình thức “lấp căn” là những người có nhu cầu mua căn hộ ngoại giao nhưng chưa đủ tiền đặt cọc nên cần huy động dòng tiền để đặt cọc trước.
Trần Đặng Thanh Tùng bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.
Trong thời hạn 10-12 ngày ký hợp đồng, người mua sẽ phải thanh toán lại phần tiền đã đặt cọc hộ trước đó, kèm theo lợi nhuận 20%/số tiền góp vốn hoặc mức lợi nhuận từ 100-200 triệu đồng/1 tỷ đồng. Tin tưởng bị cáo, nhiều bị hại đã chuyển tiền cho Tùng với tổng số lên đến 38,9 tỷ đồng.
Để tạo niềm tin, Tùng chuyển trả lại họ hơn 23,5 tỷ đồng tiền gốc và lợi nhuận, còn chiếm đoạt hơn 15,3 tỷ đồng. Trong số các nạn nhân của Tùng có nhóm nhà đầu tư ở Thái Nguyên.
Theo đó, nhóm này gồm chị Trần Thị T. Lã Thị H. và ông Vũ Đình C. được Tùng rủ đầu tư góp vốn theo hình thức “lấp căn”.
Từ ngày 13-5-2022 đến ngày 20-6-2022, nhóm người này chuyển cho Tùng hơn 25,4 tỷ đồng để đầu tư 13 mã căn hộ. Các nội dung chuyển khoản thường ghi là “lấp căn sếp Hùng”, “lấp căn sếp Chính”…
Quá trình giao dịch, Tùng đã chuyển lại hơn 17,1 tỷ đồng gọi là trả tiền gốc và lãi để tạo niềm tin. Một thời gian sau, thấy Tùng không trả tiền như hứa hẹn, nhóm bị hại trên yêu cầu bị cáo cho gặp khách hàng đặt mua căn hộ, cho xem giấy tờ thể hiện việc đầu tư nhưng đều bị bị cáo viện lý do khác nhau để khất hẹn.
Sau đó, họ yêu cầu Tùng phải ký công chứng vay tiền. Tuy nhiên đến ngày hẹn, bị cáo không trả tiền. Cất công tìm hiểu, các “nạn nhân” mới biết, Tùng mới chỉ đặt cọc 300 triệu đồng mua căn hộ. Ngày ký hợp đồng không đúng như bị cáo nói.
Do thấy Tùng không giải trình được số tiền còn lại, các nhà đầu tư đòi tiền nhiều lần không được nên gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Một nhà đầu tư khác cũng bị Tùng chiếm đoạt tiền tỷ là anh Ngô Mạnh Đ. (ở quận Long Biên, Hà Nội). Khi đó, bị cáo giới thiệu bản thân là môi giới bất động sản. Tùng mời anh Đ. mua, nộp tiền đặt cọc “thiện chí” và giải thích công ty có được cấp quỹ căn hộ tại dự án trên nhưng không nắm được cụ thể về quỹ, mã và thông tin căn hộ được giao để chào bán.
Tuy nhiên để anh Đ. tin tưởng, Tùng cho anh này xem sơ đồ tổng thể dự án và dặn chọn căn hộ mong muốn. Trường hợp không ưng ý, anh Đ. sẽ được hủy hợp đồng và hoàn lại tiền đặt cọc cùng một phần tiền bồi thường chênh lệch.
Anh Đ. đã ký 2 hợp đồng đặt cọc mua căn hộ và chuyển 200 triệu đồng. Sau đó Tùng thông báo dự án không mở bán 2 căn hộ trên nên anh Đ. được đền 260 triệu đồng. Tùng tiếp tục mời anh Đ. đầu tư qua hình thức “lấp căn” và chiếm đoạt của anh này hơn 1,1 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Tùng khai báo quanh co. Tùng khai nhận sau khi rút tiền của các bị hại, bị cáo cất 28,5 tỷ đồng trong tủ quần áo ở nhà kho. Đến cuối tháng 6-2022, Tùng kiểm tra thì phát hiện bị mất trộm toàn bộ số tiền trên.
Do "hoảng loạn" nên Tùng không nói cho ai biết, không trình báo sự việc với cơ quan công an. Cơ quan điều tra xác định, việc Trần Đặng Thanh Tùng khai giấu cất tiền ở nhà kho, không có người quản lý, không cung cấp được tài liệu nào nên lời khai này không có căn cứ.
Minh Long
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/thu-doan-moi-tinh-vi-cua-doi-tuong-lua-dao-trong-dau-tu-mua-ban-nha-post598206.antd