Đường đi của nghìn tỷ thoái vốn Thaigroup
Là một doanh nghiệp từng gây nhờ chú ý nhờ mối quan hệ với Bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy), Công ty cổ phần Thaiholdings trong một năm gần đây trở nên kín tiếng hơn khi ông bầu này rời “ghế nóng”. Dù vậy, công ty này cũng ghi nhận nhiều biến động, với “sóng ngầm” về cấu trúc tài sản trong năm 2024. Nổi bật nhất là thương vụ giảm bớt sở hữu tại Thaigroup – một doanh nghiệp có nhiều mối liên hệ với Thaiholdings.
Theo Báo cáo tài chính của Thaiholdings, cuối tháng 5/2024, công ty này đã chuyển nhượng một phần vốn góp tại Công ty CP – Tập đoàn Thaigroup (đơn vị từng là công ty con của Thaiholdings). Sau thương vụ chuyển nhượng 33,6% vốn, sở hữu của Thaiholdings tại Thaigroup giảm xuống 48%, đồng thời chỉ còn mối quan hệ là công ty liên kết.
Theo báo cáo kiểm toán, Thaiholdings đã chuyển nhượng 84 triệu cổ phần Thaigroup với mức giá 15.300 đồng/cp, tương đương giá trị thương vụ khoảng 1.285 tỷ đồng.
Một trong những ảnh hưởng lớn nhất của thương vụ này là việc giảm sở hữu tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên – đơn vị sở hữu dự án “đất vàng” Khách sạn Kim Liên, Hà Nội. Trước đó, Thaiholdings sở hữu gần 70% tỷ lệ quyền biểu quyết tại Du lịch Kim Liên, nhờ việc hợp nhất với Thaigroup (Thaiholdings sở hữu trực tiếp 17,2% vốn của Du lịch Kim Liên, còn Thaigroup sở hữu 52,43%).
Mất quyền kiểm soát tại dự án đất vàng, nhưng khoản tiền thu về lại ngay lập tức được Thaiholdings cho các công ty khác vay.
Riêng trong tuần cuối tháng 5/2024, lần lượt Công ty TNHH Đầu tư và Xuất nhập khẩu Naila, Công ty TNHH MTV Ngọc Khánh An và Công ty TNHH MTV Thương mại Phan Uyên đã ký các hợp đồng vay tiền với quy mô từ 261 đến 336 tỷ đồng với Thaiholdings. Đầu tháng 6, Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Dịch vụ Trường Tuệ vay tiếp Thaiholdings 370 tỷ đồng.
Theo đó, chỉ trong chưa tới một tháng sau khi thoái vốn Thaigroup, Thaiholdings đã cho 4 doanh nghiệp khác vay ngắn hạn hơn 1.260 tỷ đồng.
Trong quý IV, Thaiholdings tiếp tục phát sinh khoản vay với CTCP Đầu tư và Phát triển Thương mại Hoàng Ngân với quy mô 190 tỷ đồng.
Điểm chung của các hợp đồng vay này, theo báo cáo kiểm toán bán niên, đều là hợp đồng vay 11 tháng với lãi suất 7%/năm – mức khá khiêm tốn so với mặt bằng thị trường hiện tại.
“Sống” nhờ hoạt động tài chính
Những quý gần đây, điểm chung trong bức tranh hoạt động của Thaiholdings là lợi nhuận phụ thuộc vào hoạt động tài chính.
Trong quý IV/2024, Thaiholdings ghi nhận hơn 233 tỷ đồng doanh thu thuần. Tuy vậy, giá vốn cao khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, với biên lãi gộp chỉ ở mức hơn 2% - con số khiêm tốn so với thị trường.
Yếu tố chính quyết định lợi nhuận của doanh nghiệp này đến từ hoạt động tài chính. Doanh thu tài chính đạt gần 26 tỷ đồng trong quý cuối năm 2024, giúp bù đắp phần chi phí hoạt động.
Thaiholdings nhờ vậy đạt hơn 14 tỷ đồng lãi thuần và hơn 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Con số này giảm khoảng 50% so với năm 2023.
Lũy kế cả năm, tình hình cũng không mấy thay đổi. Doanh thu thuần đạt gần 1.000 tỷ đồng, nhưng biên lợi nhuận gộp chỉ ở mức hơn 2%.
Con số này thậm chí còn không đủ bù đắp chi phí quản lý doanh nghiệp (hơn 27 tỷ đồng trong năm 2024). Đóng góp chính vẫn đến từ hoạt động tài chính, với lợi nhuận khoảng 110 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu tài chính đạt hơn 91 tỷ, cùng phần hoàn nhập dự phòng hơn 20 tỷ đồng.
Thaiholdings đạt mức lãi ròng năm 2024 hơn 80 tỷ đồng, không giảm quá mạnh so với năm 2023 dù không còn ghi nhận phần lợi nhuận khác đột biến.
Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản của Thaiholdings ở mức hơn 4.400 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn tăng mạnh từ 336 tỷ đầu năm lên hơn 1.700 tỷ đồng với tỷ trọng chính là các khoản vay ngắn hạn.
Quỳnh Chi