Đây là thông tin trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2024 do Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày trước Quốc hội trong phiên làm việc sáng 26/11.
Năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực; các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có chức năng đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao.
Qua thanh tra phát hiện nhiều hành vi vi phạm, kiến nghị xử lý hành chính gần 7.630 tập thể và trên 8.710 cá nhân. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 48.670 tỷ đồng.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, tổng số việc phải thi hành án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 12.877 việc, có điều kiện thi hành 10.944 việc, đã thi hành xong 9.211 việc, thu được trên 22 nghìn tỷ đồng đối với các khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra: “Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục. Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn”.
Đồng tình với những kết quả và giải pháp Chính phủ đưa ra, các đại biểu cho rằng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho biết, thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực đã đạt được những kết quả tích cực, xử lý tội phạm rất thuyết phục, được nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, tài sản tham nhũng được thu hồi có tiến bộ nhưng chưa đạt mong muốn. Nhiều tài sản thất thoát rất nghiêm trọng, khả năng thu hồi khó khăn. Trong đó, tội phạm thường ở những nơi công vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực giữa người có quyền với người cần sự trợ giúp. Từ đó, đại biểu cho rằng phải có sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong thanh tra, kiểm toán. Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ngành chức năng quan tâm nhiều hơn để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lãng phí và đưa vào nghị quyết để triển khai tổ chức thực hiện.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật, khắc phục những bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật dễ tạo điều kiện cho tham nhũng tiêu cực. Các cơ quan liên quan cũng cần đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt hoạt động giám sát, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đỗ Bắc
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/thu-hoi-hon-22000-ty-dong-trong-cac-vu-an-tham-nhung-283413.htm