Thu hút hàng nghìn dự án, Bắc Ninh tìm giải pháp phát triển khu công nghiệp

Thu hút hàng nghìn dự án, Bắc Ninh tìm giải pháp phát triển khu công nghiệp
2 giờ trướcBài gốc
Nâng cao sức cạnh tranh
Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, tính đến thời điểm hiện nay, địa phương có 16 khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển, với tổng diện tích 6.397,68ha; có 12/16 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; 15 khu công nghiệp được thành lập với diện tích 5.946,99 ha. Các khu công nghiệp được thành lập có diện tích đất công nghiệp đã cho thuê khoảng 2.524,02 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 61,07%.
Phát triển các khu công nghiệp góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh. Ảnh: TU
Việc phát triển các khu công nghiệp đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bắc Ninh theo hướng công nghiệp; tạo nhiều việc làm, nâng cao sức cạnh tranh.
Số liệu đến tháng 9/2024, các khu công nghiệp Bắc Ninh thu hút gần 2.100 dự án thứ cấp (FDI gần 1.430 dự án, trong nước hơn 625 dự án) với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt gần 29 triệu USD đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều dự án có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung, có thể kể đến các dự án của Samsung, Amkor, Goertek, Canon…
Là đơn vị tiên phong về sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu, tháng 11/2021, Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) đã đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Nhà máy có tổng diện tích 23 ha, với pháp nhân là Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam.
Dự án sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C của Amkor có tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD. Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 530 triệu USD, tập trung vào cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn hàng đầu thế giới. Sau gần một năm vận hành thử nghiệm, công ty đi vào hoạt động chính thức với 1.061 nhân viên, người lao động, trong đó 938 lao động người Việt Nam, 760 học viên được đào tạo trong nước và nước ngoài về bán dẫn ở các cấp bậc khác nhau.
Cũng như Amkor, sự có mặt của Samsung giúp Bắc Ninh từ tỉnh thuần nông trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn của cả nước. Mới đây, Bắc Ninh và Samsung Display ký bản ghi nhớ phát triển dự án màn hình, linh kiện điện tử trị giá 1,8 tỷ USD. Tập đoàn Hàn Quốc đầu tư vào thủ phủ công nghiệp miền Bắc từ năm 2008, góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Rõ ràng, sự hiện diện của các tập đoàn lớn trong các khu công nghiệp đã giúp Bắc Ninh giữ vững nhịp độ tăng trưởng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế; trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài và minh chứng rõ nét nhất là 9 tháng năm nay Bắc Ninh tiếp tục dẫn đầu với 4,3 tỷ USD.
Khắc phục chậm trễ trong giải phóng mặt bằng
Năm 2024, Bắc Ninh dự kiến chỉ có 2/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong số đó có việc thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp đạt khoảng 3.500 triệu USD (kế hoạch đặt ra 1.100 triệu USD).
Để hoàn thành tốt mục tiêu cũng như tiếp tục xây dựng hình ảnh đặc trưng của mỗi khu công nghiệp, kéo theo chuỗi nhà đầu tư vệ tinh khác, tạo sức mạnh lan tỏa, hình thành khu công nghiệp chuyên ngành và ngành công nghiệp hỗ trợ… Bắc Ninh đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư vào khu công nghiệp.
Mới đây, trong buổi đến thăm Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Gia Bình II; Dự án khu công nghiệp Gia Bình; Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thuận Thành III – phân khu B; Dự án đầu tư dự án Khu công nghiệp, đô thị Thuận Thành II… sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai dự án, thu hút nhà đầu tư thứ cấp và khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở ý kiến của cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định, quan điểm của tỉnh là luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phải tận dụng tối đa thuận lợi về vị trí địa lý, lợi thế về chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh; xác định không đơn thuần là cho doanh nghiệp thứ cấp thuê hạ tầng mà phải có tầm nhìn, chiến lược, thu hút những nhà đầu tư quy mô lớn, tạo sự lan tỏa thu hút những nhà đầu tư khác, qua đó tăng hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các sở, ngành của tỉnh phải xác định trách nhiệm của mình, cùng hỗ trợ, phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trong thu hút những nhà đầu tư quy mô lớn.
Được biết, Dự án khu công nghiệp Gia Bình II có tổng diện tích theo quy hoạch được phê duyệt 250ha. Đến nay, dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng được 247,5ha. Chủ đầu tư đã san lấp mặt bằng được khoảng 50% tổng diện tích khu công nghiệp; hoàn thành cơ bản các tuyến đường nội bộ trong khu khu công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải; đã thu hút được 3 nhà đầu tư thứ cấp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của chủ đầu tư, dự án đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích đất còn lại, do các hộ dân không nhận tiền theo quyết định đã phê duyệt đền bù; thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư của dự án thuê lại đất gặp khó khăn do sự thay đổi trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
Đối với Dự án khu công nghiệp Gia Bình, nhà đầu tư đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền địa phương giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng đối với 64 hộ chưa nhận tiền bồi thường với tổng diện tích khoảng 0,88 ha; hướng dẫn cụ thể đối với phần diện tích trong phạm vi ranh giới giao thông đối ngoại; tháo gỡ vướng mắc trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư thứ cấp do thay đổi quy định trong Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản...
Dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Thuận Thành III – phân khu B đã có 24 nhà đầu tư thứ cấp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư 285 triệu USD; còn 72,14ha diện tích đất của khu công nghiệp chưa đền bù giải phóng mặt bằng; việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư thứ cấp gặp nhiều khó khăn do thay đổi quy định Luật Kinh doanh bất động sản.
Dự án đầu tư Khu công nghiệp, đô thị Thuận Thành II có quy mô 252 ha, đã đền bù 100% diện tích; thu hút 64 dự án thứ cấp. Công ty đề nghị đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh ranh giới theo điều chỉnh quy hoạch để làm các bước tiếp theo phục vụ cấp sổ đỏ cho doanh nghiệp; bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024, tạo điều kiện chủ đầu tư đồng bộ hóa hạ tầng khu công nghiệp và khu đô thị, gia tăng các dịch vụ tiện nghi, hiện đại.
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên của các đơn vị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo từng sở, ngành, địa phương phối hợp, hướng dẫn tháo gỡ cho doanh nghiệp. Đồng thời tổng hợp, rà soát, nghiên cứu và tham mưu phương án giải quyết đảm bảo phù hợp với các quy hoạch chung của tỉnh, địa phương, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Riêng về vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các địa phương có dự án khu công nghiệp khẩn trương hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch để nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hoàn thiện các công trình hạ tầng còn lại.
Về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư của các dự án thứ cấp, Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan làm việc với cơ quan Trung ương có thẩm quyền để có văn bản trả lời, hướng dẫn và điều chỉnh quy định cho phù hợp với thực tiễn.
Tâm An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thu-hut-hang-nghin-du-an-bac-ninh-tim-giai-phap-phat-trien-khu-cong-nghiep-352613.html