Giới thiệu về Khách sạn Azerai La Residence Huế đến du khách
Mọi nẻo đường… về Huế
Giữa tháng 2/2025, những hành khách có mặt ở sân bay quốc tế Phú Bài đã không khỏi trầm trồ khi chứng kiến chuyên cơ Gulfstream G650ER có ký hiệu VN-A968 chở theo một số hành khách hạ cánh xuống sân bay ở Huế. Đây là chuyên cơ có nội thất G650ER dành cho giới siêu giàu với các công năng như: giường ngủ, bếp ăn, quầy bar, sofa thư giãn, tivi, phòng khách tiêu chuẩn 5-6 sao. Nhiều tỷ phú, giới siêu giàu trên thế giới đã sở hữu máy bay của hãng Gulfstream như: Bill Gates, Jeff Bezos hay Cristiano Ronaldo, Lionel Messi… Cũng vì vậy, sự xuất hiện của chuyên cơ Gulfstream G650ER trên đất Cố đô là một điều thú vị, là tín hiệu vui của du lịch Huế.
Sở dĩ nói tín hiệu vui, bởi thêm đường hàng không, dường như Huế đã tiếp đón khách “nhà giàu” từ khá đầy đủ các loại hình vận tải khác. Cuối năm 2024, chuyến tàu hỏa 5 sao có tên Sjourney được mệnh danh là chuyến tàu hỏa “siêu sang”, được thiết kế riêng để phục vụ du khách yêu thích tham quan, du lịch Việt Nam bằng tàu hỏa đã từng đưa khách đến Huế. Những hành khách quốc tế sau đó đã đến trải nghiệm tại Đại Nội và các di tích ở Huế, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, làng nghề đúc đồng… Họ bỏ ra khoảng trên dưới 200 triệu đồng/người cho hành trình du lịch tàu hỏa 8 ngày 7 đêm và những điểm dừng chân của họ đều là một sự lựa chọn yêu thích.
Trên đường biển, các siêu tàu du lịch cập cảng Chân Mây cũng đang ngày càng nhiều hơn. Đến tháng 2/2025, đã có 51 tàu biển với hơn 152.000 hành khách và thuyền viên đăng ký cập cảng Chân Mây trong năm nay. Con số này đã vượt xa cột mốc năm 2024 với 40 chuyến tàu du lịch và 90.000 lượt khách và thuyền viên đến Huế.
Theo một số chuyên gia du lịch, khách hạng sang ngày càng quan tâm nhiều điểm đến của Việt Nam, trong đó có Huế. Thậm chí, có những tỷ phú nước ngoài đã chọn Cố đô của Việt Nam để tổ chức những sự kiện quan trọng đặc biệt. Điển hình như cuối tháng 8/2024, cặp cô dâu, chú rể Ấn Độ đã thuê gần hết hai resort 5 sao liền kề thuộc top đẳng cấp nhất ở ven biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc) để mời và đưa người thân, bạn bè đến dự tiệc cưới diễn ra trong 4 ngày. Khách mời của họ được đưa đón trên chuyến charter (thuê nguyên chuyến) bay thẳng từ Ấn Độ đến sân bay Đà Nẵng. Sau đó, họ cùng có mặt ở Lăng Cô. Trong hành trình đến Huế tổ chức tiệc cưới, họ mang theo 30 nhân viên và đầu bếp. Đây cũng thực sự là một đám cưới ấn tượng khi thực đơn đám cưới gồm các món truyền thống của Ấn Độ và Việt Nam, có đến 600 nhân viên tại Việt Nam tham gia hỗ trợ. Dù không được tiết lộ, nhưng chi tiêu cho chuyến đến Huế của họ chắc chắn không hề nhỏ.
Nắm bắt cơ hội
Trò chuyện với những người làm du lịch, họ cho hay khách hạng sang đang ngày càng quan tâm tới Huế là cơ hội, mừng nhưng cũng lo bởi đứng trước cơ hội lớn, quan trọng là làm sao để nắm bắt được. Trong chặng đường phát triển của du lịch Cố đô, không phải đến bây giờ Huế mới thu hút được khách hạng sang. Vấn đề đặt ra là, với dòng khách cao cấp, ngành du lịch cũng phải có những giải pháp đột phá để có nhiều sản phẩm du lịch đạt “đẳng cấp”, đáp ứng được dòng khách quốc tế hạng sang, có mức chi tiêu cao đến với Việt Nam.
Nhiều chuyên gia du lịch đánh giá, việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đáp ứng khách hạng sang hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Hướng xây dựng sản phẩm mới tiếp cận theo cái có sẵn, mà chưa tiếp cận theo cái mà du khách cần, vì vậy, ít nhiều thiếu sức thu hút du khách quốc tế. Tại Huế, dịch vụ du lịch và lưu trú cũng như các dịch vụ liên quan ở tầm cao chưa nhiều, quỹ phòng dành cho các đoàn khách lớn không có. Mặt khác, mặc dù sân bay quốc tế Phú Bài được đánh giá cao về kiến trúc nhưng vẫn đang còn thiếu các đường bay thẳng quốc tế đến Huế. Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành TP. Huế, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội tại Huế cho rằng: “Khách hạng sang không ngại chi tiêu khi du lịch, quan trọng là Huế có dịch vụ gì để họ tiêu. Những tiêu chuẩn, yêu cầu dịch vụ của khách hạng sang đương nhiên phải cao và khắt khe”.
Thực tế, du lịch Huế đang dần có những chuyển động để bắt nhịp, thu hút khách hạng sang. Bên cạnh tập trung đầu tư cho các sản phẩm du lịch di sản, văn hóa, thì ngành du lịch và cộng đồng doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến những loại hình du lịch mà khách quốc tế hạng sang quan tâm là du lịch golf, du lịch tàu biển, du lịch chăm sóc sức khỏe, mua sắm, giải trí…
Bà Trần Thị Hoài Trâm, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để tạo ra sức cạnh tranh cho du lịch Huế, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Ngành du lịch hướng đến vừa chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, vừa có tính chuyên biệt, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn. Bên cạnh đó, sẽ đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch phù hợp với thị hiếu; phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại và phải linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số. Đối với dòng khách hạng sang, ngành du lịch Huế sẽ tiếp tục kết nối, làm việc với các đối tác, hãng tàu biển lớn để vừa đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu điểm đến Huế, vừa xây dựng các sản phẩm, dịch vụ theo xu hướng, nhu cầu của du khách.
Trong tương lai, ngành du lịch Việt Nam nói chung, Huế nói riêng cần nghiên cứu có những giải pháp đột phá để xây dựng các điểm đến, thương hiệu độc quyền, xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng “gây thương nhớ” cho du khách, nhất là phân khúc khách hạng sang, giới siêu giàu; nâng cấp chuỗi cung ứng thành chuỗi giá trị du lịch.
Minh Tâm