Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam”.
Điểm đến đáng tin cậy
Phát biểu kết luận tại Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” ngày 28/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, quá trình đổi mới, mở cửa đã giúp Việt Nam thu hút khối lượng lớn vốn đầu tư qua thị trường vốn và thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những nguồn vốn này đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020-2024, đảm bảo cân đối vĩ mô.
Theo Bộ trưởng, sự hiện diện của các quỹ đầu tư quốc tế hàng đầu, các tập đoàn tài chính lớn, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp nước ngoài cho thấy Việt Nam đang là điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất tích cực đạt được, việc thu hút nguồn vốn qua hệ thống quỹ đầu tư cũng như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Thị trường vốn, thị trường chứng khoán cần tiếp tục bứt phá cả về quy mô, tính thanh khoản cũng như đa dạng về sản phẩm, để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đồng thời, cơ sở hạ tầng cho hoạt động của thị trường cần phải cải tiến để đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Cũng theo Bộ trưởng, hoạt động của hệ thống quỹ đầu tư còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng; các công cụ phòng ngừa rủi ro vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ; cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư khi tham gia đầu tư.
Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI chưa thực sự chặt chẽ; số lượng dự án công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao. Một số dự án gặp vướng mắc trong thủ tục đất đai, đầu tư, môi trường, một số chính sách về thuế cần xem xét để sửa đổi cho phù hợp…
"Đây là những vấn đề đặt ra và chúng tôi cần nhanh chóng giải quyết để góp phần phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng bộ các nhóm giải pháp thu hút vốn đầu tư
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và giai đoạn 2025-2030, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp đột phá, mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh mới trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời, đặt ra bài toán về nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng, năng lượng, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ trưởng đánh giá, những ý kiến tâm huyết của các diễn giả và đại biểu tại Hội nghị đã khẳng định sự cần thiết phải phát triển các quỹ đầu tư để thu hút nguồn vốn trong nước và nước ngoài bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang phát huy hiệu quả thời gian qua.
Người đứng đầu ngành Tài chính cho biết, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên mới, đặc biệt là nguồn vốn thông qua hệ thống quỹ đầu tư. Trong đó, tập trung tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, thúc đẩy vai trò của đầu tư tư nhân, ưu tiên đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Giải pháp tiếp theo được Bộ Tài chính triển khai là cải cách về thể chế thông qua hoàn thiện các văn bản pháp luật về thị trường vốn, các quỹ đầu tư, các định chế trung gian, các quy định về đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế. Bộ trưởng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi các luật về Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư công - tư, và Đấu thầu. Đồng thời, sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm thúc đẩy nguồn cung hàng hóa có chất lượng, nâng cao thanh khoản của thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang chủ trì trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội sửa tổng thể Luật Ngân sách nhà nước, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế thu nhập cá nhân và sửa đổi, bổ sung 7 luật gồm Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất, nhập khẩu, để khơi thông nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển trong kỷ nguyên phát triển mới.
Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường vốn cả về chiều rộng và chiều sâu, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi ngay trong năm 2025. Cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách, Bộ Tài chính đang tích cực thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục về đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam.
"Chúng tôi đang yêu cầu nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro của các công ty đại chúng, công ty niêm yết; từng bước áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế nhằm tăng tính minh bạch và hiệu quả cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện chất lượng nguồn cung hàng hóa… Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro theo lộ trình phù hợp với yêu cầu quản lý ngoại hối và nhu cầu mở rộng thương mại, đầu tư quốc tế", Bộ trưởng chia sẻ.
Một giải pháp khác sẽ được Bộ Tài chính triển khai là đẩy mạnh phát triển hệ thống quỹ đầu tư. Vừa qua, Chính phủ đã ban chính sách về thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, việc phát triển các định chế tài chính, quỹ đầu tư để phục vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… đã được định hướng tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới.
Song song với các mô hình quỹ tài chính này, Bộ Tài chính sẽ thúc đẩy phát triển hệ thống quỹ đầu tư thông qua đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư, các bộ chỉ số chứng khoán và sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Đồng thời, đa dạng kênh phân phối, tạo động lực cho các công ty quản lý quỹ thiết lập các quỹ đầu tư mới trên thị trường; xem xét điều chỉnh thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán để thúc đẩy đầu tư qua các định chế đầu tư chuyên nghiệp này.
Cùng với các giải pháp nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp để khuyến khích thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo đó, tiếp tục cùng với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thu hút vốn FDI thông qua cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính; đẩy mạnh hợp tác công tư với các tập đoàn, quỹ đầu tư có nguồn vốn bền vững, hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm quản lý và mô hình kinh doanh tốt tham gia đầu tư vào dự án hạ tầng chiến lược, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo…
Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương phối hợp ban hành chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các các dự án có sức lan tỏa, lắng nghe các kiến nghị từ doanh nghiệp để xử lý khó khăn. Từ đó, tạo sự gắn kết giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam để tham gia hiệu quả trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bộ Tài chính cũng sẽ duy trì đối thoại chính sách để kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và chủ động đề xuất giải pháp xử lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các quỹ đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện với môi trường tại Việt Nam; khuyến khích các quỹ đầu tư và nhà đầu tư tham gia đầu tư tích cực, tăng quy mô vốn đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh; thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp, chế độ, chính sách đối với người lao động và kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, quy định phù hợp.
"Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực của tất cả các bên, thị trường vốn Việt Nam và hệ thống quỹ đầu tư sẽ ngày càng phát triển; đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ tiếp tục có những kết quả ấn tượng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm nay và giai đoạn tới", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.
Trần Huyền