Thu hút nhân tài thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW

Thu hút nhân tài thực thi Nghị quyết số 57-NQ/TW
5 giờ trướcBài gốc
Nhân lực chất lượng cao được xem là một trụ cột trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Đức Thanh
Yêu cầu cấp bách
Nghị quyết số 57-NQ/TW là bước ngoặt chiến lược trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao như một trụ cột cốt lõi trong việc hiện thực hóa các mục tiêu đầy tham vọng này.
Nghị quyết 57-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt 12 người/10.000 dân, đào tạo đạt 1 triệu nhân lực trí tuệ nhân tạo (AI) và 50.000 nhân sự trong lĩnh vực bán dẫn.
Dẫn tỷ lệ nhân lực nghiên cứu và phát triển (R&D) chỉ 7-8 người/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 12 người vào năm 2030, TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là chảy chất xám và mức lương chưa đủ hấp dẫn.
“Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao và đề xuất chính sách đặc thù thu hút chuyên gia trong và ngoài nước. Ông cũng đề xuất các chính sách về quốc tịch, nhà ở và thu nhập để giữ chân nhân tài… Ngoài ra, Nghị quyết 57 còn đề xuất chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân trong một thời gian nhất định cho chuyên gia và hỗ trợ định cư cho người nước ngoài. Bên cạnh đó, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 12 nhân lực R&D/10.000 dân vào năm 2030. Đây là bước đi đúng đắn để giải quyết vấn đề nhân lực, đặc biệt là trong việc thu hút chuyên gia nước ngoài. Chính sách này không chỉ mang tính thực tế, mà còn tạo động lực lớn cho đội ngũ nghiên cứu trong nước”, ông Tuấn nhận xét.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, nhân tài, nhân lực chất lượng cao còn thiếu, đặc biệt trong các công nghệ chiến lược như AI, blockchain và điện toán đám mây. Điều này phần nào xuất phát từ hệ thống giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên số. Các chương trình đào tạo tại nhiều trường đại học còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn và chưa cập nhật kịp thời các công nghệ mới.
Theo ông Hùng, cùng với giải pháp đào tạo, cần triển khai ngay chiến dịch thu hút nhân tài, chuyên gia hàng đầu về công nghệ tới Việt Nam làm việc. Nếu thực hiện được, đây sẽ là nguồn nhân lực dẫn dắt, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trong tương lai.
Cùng giải bài toán khó
Dẫn bài học từ Trung Quốc và Singapore về thu hút nhân tài toàn cầu và tạo hệ sinh thái nghiên cứu đẳng cấp thế giới, TS. Trần Văn Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, Việt Nam cần có chính sách đột phá về thu hút chuyên gia. Mời gọi các giáo sư, nhà khoa học giỏi gốc Việt về nước hợp tác nghiên cứu thông qua các dự án, đề án trọng điểm quốc gia; đãi ngộ tương xứng với thu nhập và cơ hội ở các nước phát triển.
Việt Nam hiện có 74.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với hơn 1,2 triệu lao động. Ngành công nghệ thông tin sẽ cần khoảng 700.000 nhân lực mới, nhưng nguồn cung hiện tại từ các cơ sở đào tạo trong nước chỉ đáp ứng khoảng 500.000 người...
- Bộ Khoa học và Công nghệ
Theo đó, cần một cuộc cải cách triệt để cơ chế trọng dụng nhân tài. Sớm hình thành Chương trình quốc gia thu hút nhân tài tham gia các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, nuôi dưỡng và phát huy nguồn lực từ thế hệ trẻ; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, quỹ tài năng trẻ để ươm tạo ý tưởng sáng tạo từ phòng thí nghiệm ra thị trường.
Đồng quan điểm, ông Suk Ji-won, Tổng giám đốc Trung tâm R&D Samsung Việt Nam khuyến nghị, Chính phủ cần ban hành những chính sách khuyến khích để tuyển dụng đội ngũ quản lý, chuyên gia nước ngoài trong đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài, như chính sách hỗ trợ về thị thực hay miễn giảm thuế, cũng như các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế và giáo dục dành cho gia đình của các chuyên gia nước ngoài, tạo điều kiện cho họ có thể tham gia đào tạo nhân tài một cách ổn định, lâu dài tại Việt Nam.
Ông Suk Ji-won cũng mong rằng, những chính sách này sẽ được áp dụng cho đội ngũ nhân lực xuất sắc được các cơ quan, tổ chức của Việt Nam tuyển chọn và những chuyên gia được các doanh nghiệp cử sang Việt Nam làm việc trong các dự án công nghệ cao.
GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global thì cho rằng, thu nhập không phải yếu tố quyết định. “Có tới 40,2% chuyên gia mà AVSE Global khảo sát muốn nhận được những đề bài hay, khó và được chọn là người giải. Với không ít người, nếu về Việt Nam, một bài toán có thể góp phần vào quá trình thay đổi đất nước, hoặc thay đổi một vùng đất nào đó sẽ là điều thu hút họ”, ông Khương chia sẻ.
AVSE Global khuyến nghị, Việt Nam cần thu hút mạng lưới chuyên gia trong tất cả các ngành, ưu tiên tìm những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ hàng đầu có tiềm năng trong các ngành như năng lượng hạt nhân, bán dẫn, AI, công nghệ sinh học..., nhằm chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghị quyết 57/NQ-TW đã đề ra nhiệm vụ ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc. Có cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia, các “tổng công trình sư”. Hy vọng rằng, những quy định này sẽ sớm được hiện thực hóa. Có như vậy, Nghị quyết 57/NQ-TW mới sớm được thực thi, phát huy hiệu quả thực chất.
Tú Ân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/thu-hut-nhan-tai-thuc-thi-nghi-quyet-so-57-nqtw-d284100.html