Ông Nguyễn Thanh Tuấn
Trao đổi với Báo Phú Yên về những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết:
- Năm 2024, Sở Công Thương đã hoàn thành các chỉ đạo, nhiệm vụ được cấp trên giao; triển khai các nội dung trong kế hoạch, chương trình hành động… của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đảm bảo thực hiện các hoạt động liên quan đến những lĩnh vực được phân công quản lý. Trong năm, các hoạt động công nghiệp, thương mại, năng lượng… có những bước tăng trưởng, tiếp tục khẳng định sự phục hồi.
* Xin ông cho biết cụ thể hơn về những kết quả đạt được của các lĩnh vực này?
- Đối với sản xuất công nghiệp, tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giá nguyên, nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao… nên hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Dù vậy, các doanh nghiệp đã duy trì, phát triển sản xuất và có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 (giá so sánh 2010) ước cảnăm thực hiện hơn 25.381,5 tỉ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng ước thực hiện 345,8 tỉ đồng, tăng 8,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước thực hiện gần 21.079,8 tỉ đồng, tăng 9%; công nghiệp sản xuất phân phối điện nước ước thực hiện hơn 3.955,9 tỉ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển. Công tác dự trữ và cung ứng hàng hóa vào các dịp lễ, tết… thực hiện có hiệu quả nên thị trường hàng hóa trên địa bàn được duy trì ổn định, lưu thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước cả năm đạt trên 55.341,4 tỉ đồng, tăng 11,5%; trong đó bán lẻ hàng hóa đạt trên 44.055,8 tỉ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, tổng kim ngạch xuất khẩu ước cả năm thực hiện 333,4 triệu USD, tăng 18,9%. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng như: sản phẩm gỗ đạt 31,8 triệu USD, tăng 35,9%; hải sản các loại đạt 163,7 triệu USD, tăng 19,2%; nhân hạt điều đạt 9,96 triệu USD, tăng 16,2%; kính đạt 12,2 triệu USD, tăng 9,4%; quần áo may sẵn đạt 53,6 triệu USD, tăng 8,5%; linh kiện điện tử đạt 38,4 triệu USD, tăng 7,7%...
Tổng kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn ước cảnăm thực hiện 191,26 triệu USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có kim ngạch tăng gồm: Hạt điều thô đạt 10 triệu USD, tăng 488,2%; vải và phụ liệu may mặc đạt 46,95 triệu USD, tăng 80,6%; hóa chất đạt 36,6 triệu USD, tăng 21,9%. Máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 30,6 triệu USD, tăng 13,4%.
Đồ họa: VÕ PHÊ
* Như ông nhìn nhận thì hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại… vẫn còn khó khăn. Vậy những khó khăn đó là gì và trong năm mới 2025 cần thực hiện những mục tiêu nào, thưa ông?
- Thực tế cho thấy khó khăn hiện nay là hầu hết doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp; chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, tạo ra giá trị gia tăng cao. Các loại hình bán lẻ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là loại hình bán lẻ truyền thống, trong đó chủ yếu là mạng lưới chợ và các hộ kinh doanh; các loại hình bán lẻ hiện đại chưa phát triển mạnh. Quy mô của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh thương mại vẫn còn nhỏ.
Điều này phần lớn do chưa thu hút được các dự án đầu tư lớn. Năng lực tài chính, sự tích lũy để tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn ở mức thấp. Các cơ sở chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh; năng lực quản lý còn nhiều hạn chế; chưa xây dựng được chiến lược phát triển bền vững. Thêm vào đó, việc đầu tư phát triển mạng lưới cụm công nghiệp, thu hút dự án đầu tư sản xuất trong các cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư hạn chế…
Xác định những khó khăn trước mắt, ngành Công Thương đã xây dựng mục tiêu trong năm 2025 gồm: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) 26.955 tỉ đồng, tăng 6,2% so với năm 2024. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 59.600 tỉ đồng, tăng 7,7%; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 47.400 tỉ đồng, tăng 7,6% so với năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu đạt 370 triệu USD, tăng 11,1% (dự kiến đạt mục tiêu theo kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra). Kim ngạch nhập khẩu đạt 241 triệu USD, tăng 26,8% so với năm 2024.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: VÕ PHÊ
* Giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên là gì, thưa ông?
- Để đạt những mục tiêu trên, ngành Công Thương sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời phối hợp, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án công nghiệp, thương mại đang triển khai sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động và phát huy tốt năng lực sản xuất. Tăng cường thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để tạo mặt bằng phục vụ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; áp dụng công nghệmới, tiên tiến để tăng năng suất lao động, giảm chi phí trên từng công đoạn của quá trình sản xuất và lưu thông, bảo đảm chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Sở Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến trong quản lý sản xuất kinh doanh, nhất là các bộ tiêu chuẩn quản lý quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, sở cũng đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kiểm soát nhập khẩu theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và các giải pháp nhằm bảo đảm cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục xây dựng và phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ rộng khắp trên địa bàn thông qua mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, chợ nông thôn và các cửa hàng bán lẻ hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình, bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp. Sở cũng tăng cường hoạt động khuyến công để hỗ trợ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
* Xin cảm ơn ông!
Để đạt được những mục tiêu năm 2025, ngành Công Thương sẽ tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại; hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời phối hợp, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án công nghiệp, thương mại đang triển khai sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động và phát huy tốt năng lực sản xuất...
VÕ PHÊ (thực hiện)