Tác động lan tỏa
Từ các dự án, doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh ÐBSCL và nghiên cứu của VCCI Cần Thơ cho thấy, FDI không chỉ góp phần bổ sung nguồn lực, mà còn là phương tiện trong chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, mô hình quản trị và góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và hơn cả chính là có tác động lan tỏa làm tăng năng suất tổng hợp, phát huy có hiệu quả các lợi thế của vùng mà lĩnh vực về nông nghiệp, thủy sản, xuất khẩu là một điển hình.
Ðồng thời, FDI thúc đẩy phát triển vốn con người thông qua việc nâng cao kỹ năng, đào tạo lực lượng lao động và phổ biến, chuyển giao kiến thức. Thực tế, các doanh nghiệp đa quốc gia (MNE) thường thiết lập các chương trình đào tạo nội bộ hoặc hợp tác với các tổ chức địa phương để nâng cao năng lực của lực lượng lao động, đảm bảo cải thiện năng suất bền vững.
Ðặc biệt, FDI đóng vai trò rất quan trọng vào xuất khẩu và không ngừng mở rộng thị trường khi các nhà đầu tư nước ngoài đã thiết lập hoạt động tại các quốc gia sở tại để tận dụng lợi thế về chi phí, vị trí chiến lược hoặc các hiệp định thương mại ưu đãi. Ðiều này, dẫn đến tăng khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài đối với hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước, thúc đẩy cán cân thương mại bên ngoài. Mặt khác, với việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được cải thiện và hiệu quả chuỗi cung ứng cho phép hội nhập sâu rộng hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế trước những “cú sốc” bất thường, khó đoán từ bên ngoài. Chưa dừng ở đó, FDI còn góp phần vào tích lũy vốn, nâng cấp, đổi mới công nghệ và tăng cường thêm nguồn lực, tạo ra khả năng cạnh tranh. Theo thời gian, những lợi ích này sẽ trở thành tăng trưởng dài hạn thể hiện qua thu nhập bình quân đầu tư, tăng mức sống và có những tiến bộ về mặt cấu trúc trong nền kinh tế...
Thu hút vốn FDI sẽ góp phần khai thác và phát huy tốt các lợi thế của vùng ÐBSCL, nhất là chế biến hàng thủy sản xuất khẩu. Ảnh: LÊ TUẤN
Cần xây dựng chiến lược
Dù có những lợi ích thiết thực như thế, nhưng việc thu hút vốn FDI trong thời gian qua vẫn còn rất hạn chế và xuất hiện tình trạng “ngược chiều" của 2 dòng vốn đầu tư chính vào khu vực ÐBSCL. Nếu như năm 2021, vốn ngân sách đầu tư vào ÐBSCL chiếm 64.113 tỷ đồng, thì 2 năm tiếp theo, tức 2022 và 2023 lần lượt đạt 72.265 và 80.791 tỷ đồng. Trong khi đó, trái ngược với “tín hiệu tích cực” của dòng vốn ngân sách, thu hút vốn FDI vào ÐBSCL lại “đi xuống”. Nếu năm 2021, vốn FDI vào ÐBSCL là 26.144 tỷ đồng, thì 2 năm tiếp theo lần lượt đạt 19.808 và 17.079 tỷ đồng và năm 2024 cả khu vực ÐBSCL chỉ thu hút được 142 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới là 759 triệu USD (tương đương hơn 19.000 tỷ đồng).
Con số trên chiếm chưa đến 2% tổng vốn FDI mới của cả nước và thấp hơn rất nhiều so với các vùng khác. Nếu xét ở vốn đầu tư toàn xã hội, thì vốn FDI chỉ chiếm 6,8% của vùng ÐBSCL, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của cả nước với trên 16%. Con số này cho thấy, việc thu hút vốn FDI của vùng ÐBSCL còn yếu so với mặt bằng chung. Xét về quy mô tuyệt đối, vốn FDI của vùng ÐBSCL chỉ cao hơn so với vùng Tây Nguyên, nhưng nếu so với 2 vùng kinh tế trọng điểm lớn là đồng bằng Sông Hồng và Ðông Nam Bộ thì vốn FDI của vùng ÐBSCL chỉ tương đương lần lượt là 12,3% và 13,7% của 2 vùng này và đây là sự chênh lệch quá lớn trong điều kiện vùng ÐBSCL được đánh giá rất giàu tiềm năng và lợi thế.
Ðiều đáng lo hơn cả là trong khi vốn đầu tư từ ngân sách và vốn FDI “đi ngược chiều nhau”, thì dòng vốn ở khu vực kinh tế tư nhân đầu tư cho ÐBSCL gần như chưa tạo được “cú hích” nào trong 3 năm gần đây, chỉ giữ ổn định quanh mức trên dưới 150.000 tỷ đồng. Thậm chí, số doanh nghiệp giải thể, phá sản ngày càng tăng. Năm 2024, số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động của vùng ÐBSCL hơn 5.450 doanh nghiệp (tăng 26% so với năm 2023), số lượng doanh nghiệp chờ giải thể 6.548 doanh nghiệp và số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại là 2.183 doanh nghiệp. Ðiều này, dẫn đến kết quả tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho khu vực ÐBSCL chiếm một tỷ lệ “không thay đổi” trong một thời gian dài cũng như chưa tạo nên những động lực quan trọng. Qua đó phản ánh “sức khỏe” của doanh nghiệp vẫn còn tình trạng thiếu vốn để đầu tư cho những dự án động lực.
Theo báo cáo của VCCI Cần Thơ Chi nhánh ÐBSCL, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của ÐBSCL trong 10 năm (2014-2023) chỉ đạt khoảng 11% so với cả nước, chỉ cao hơn khu vực Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc. Rõ ràng, dù tỷ lệ vốn đầu tư từ ngân sách có cải thiện, nhưng do những yếu kém về nguồn lực FDI và hấp thu vốn từ khu vực tư nhân khiến vốn đầu tư toàn xã hội suốt một thời gian dài vào ÐBSCL vẫn nằm trong tình trạng yếu và thiếu.
Do vậy, các tỉnh ÐBSCL sau hợp nhất cần tập trung tái cấu trúc lại nguồn lực theo hướng tập trung đẩy mạnh thu hút vốn FDI gắn với xây dựng chiến lược phát triển thêm nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân với hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều đột phá từ Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân mà Bộ Chính trị đã ban hành.
Bởi các dự án FDI khi đưa vào hoạt động sẽ có những đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế và tham gia giải quyết tốt bài toán an sinh. Như tỉnh Bạc Liêu trước khi chưa hợp nhất với tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp FDI đã góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, doanh thu hằng năm đạt khoảng 70 triệu USD và tham gia giải quyết việc làm cho trên 2.300 lao động của tỉnh, với một số doanh nghiệp FDI điển hình như: Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu, Công ty TNHH MTV Pinetree; Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh Bạc Liêu 2; Công ty TNHH MTV thực phẩm đông lạnh Việt I-Mei...
Lư Dũng - Hoàng Lam