Hành trình vươn lên từ "điểm xuất phát muộn"
Con đường đến với danh hiệu thủ khoa của Nguyên không hề bằng phẳng. Thử thách lớn nhất của Nguyên chính là việc cậu "xuất phát muộn hơn bạn bè đồng trang lứa". Ban đầu, mục tiêu của Nguyên là thi Học sinh Giỏi quốc gia để được tuyển thẳng đại học. Tuy nhiên, khi không lọt vào top 10, Nguyên đã rơi vào trạng thái hụt hẫng, mất phương hướng. Đến tận tháng Mười Một, khi nhiều bạn bè đã tăng tốc, Nguyên mới bắt đầu học lại chương trình trên lớp. Những ngày đầu, điểm số môn Hóa và Lý chỉ vẻn vẹn 5 - 6 điểm, áp lực đè nặng lên vai chàng trai trẻ.
Phan Trịnh Nguyên tại Lễ trao bằng tốt nghiệp THPT.
Trong những giây phút khó khăn ấy, Nguyên may mắn có được sự đồng hành của những "ngọn hải đăng". Thầy Phan Văn Chiến, giáo viên dạy Hóa, đã dành nhiều thời gian ngoài giờ để kèm cặp, củng cố kiến thức cho môn học vốn là điểm yếu của Nguyên. "Những ngày đầu thì điểm Hóa của mình phải nói là rất là tệ”, Nguyên nhớ lại. Không chỉ có thầy Chiến, sự quan tâm của các thầy cô khác trong trường cùng những lời động viên không ngừng từ ba mẹ đã trở thành nguồn động lực quý báu, giúp Nguyên vượt qua quãng thời gian thử thách và vươn lên mạnh mẽ.
Danh hiệu thủ khoa – bước khởi đầu cho ước mơ lớn
Trở thành thủ khoa đã mang lại cho Nguyên nhiều niềm vui và sự ghi nhận từ gia đình, thầy cô, bạn bè. Thậm chí, việc được mọi người nhận ra và hỏi thăm khi ra ngoài cũng khiến Nguyên cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, Nguyên không cho phép mình "ngủ quên trên chiến thắng". Với chàng trai trẻ, danh hiệu thủ khoa chỉ là "một bước khởi đầu", là bệ phóng cho những mục tiêu lớn hơn.
Ban đầu, Nguyên định hướng theo học Công nghệ thông tin tại trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM). Nhưng chính thời gian gắn bó với mái trường THPT Chi Lăng, cùng sự định hướng từ thầy Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, đã giúp Nguyên tìm thấy con đường thực sự thuộc về mình. Nguyên quyết định chọn ngành Sư phạm Toán tại trường ĐH Sư phạm TP. HCM.
Trịnh Nguyên hạnh phúc bên gia đình mình.
"Mình mong muốn sau này được trở thành một giáo viên giỏi, quay về dạy học ở Chi Lăng để tiếp thêm động lực cho các thế hệ học sinh nơi đây, giống như thầy cô đã từng truyền cảm hứng cho mình”, Nguyên chia sẻ với ánh mắt kiên định.
Khép lại hành trình 12 năm đèn sách, Phan Trịnh Nguyên dành những lời khuyên tâm huyết cho các thế hệ học sinh khóa sau của Gia Lai: "Các bạn học sinh hãy luôn tin vào chính mình. Nếu ngay cả mình còn không tin bản thân mình thì cũng chẳng có ai tin mình cả. Phải có niềm tin thì mới đủ bản lĩnh để đi đúng con đường”.
Nguyên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối mặt với thất bại: "Đừng bao giờ nhụt chí vì thất bại mà hãy coi nó là hành trình để đi đến thành công. Bản thân mình cũng đã thất bại rất là nhiều lần nhưng sau đó mình vẫn tiếp tục cố gắng phấn đấu vì chặng đường phía trước”. Điều quan trọng nhất, theo Nguyên, là cần có phương pháp học tập đúng đắn: "Đừng cố học vẹt mà hãy hiểu được bản chất của kiến thức thì mới có được kết quả cao”, Nguyên nhắn nhủ.