Một buổi lấy ý kiến xây dựng luật của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị khóa XIII - Ảnh: P.H.N
Từ khi hình thành Đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố cho đến nay, đặc biệt là từ Quốc hội khóa X (1997 – 2002) cho đến nay luôn tồn tại một “bộ phận giúp việc” cho đoàn đại biểu Quốc hội.
“Bộ phận giúp việc” đó có khi thì chỉ duy nhất 1 người (gọi là Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội), khi thì tách ra thành một Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội riêng có khoảng 5-6 người (có thời gian tỉnh bàn giao cho Văn phòng Quốc hội và hưởng lương từ Văn phòng Quốc hội trung ương), còn phần lớn thời gian thì “bộ phận giúp việc” cho đoàn đại biểu Quốc hội là một phòng (phòng Công tác Quốc hội) trực thuộc Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh như mô hình hiện nay đang áp dụng.
Tuy nhiên, thời mà tôi nhớ nhất, để lại nhiều ấn tượng nhất là thời kỳ Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội của Khóa X. Văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định: Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội được Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ủy quyền ký các loại công văn chuyển đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, công văn đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị còn quy định riêng, phạm vi ủy quyền cho Thư ký ký các công văn chuyển đơn đến cấp huyện và sở, ban, ngành cấp tỉnh. Về quyền lợi, Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội được hưởng phụ cấp với hệ số 0,5. Ngoài ra, Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội được giới thiệu chữ ký đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện nhiệm vụ.
Mặc dù cơ chế Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, sau khi có Quyết định thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội của UBND tỉnh thì cơ chế Thư ký được ủy quyền hết hiệu lực. Nhưng trong thời gian đó, đối với tôi là những kỷ niệm sâu sắc trong quãng thời gian phục vụ Quốc hội của mình với những vụ việc tôi đã trực tiếp xử lý mang lại kết quả có lợi cho người dân. Tôi xin đơn cử 2 vụ việc.
Vụ việc thứ nhất là xử lý sai phạm trong việc giao đất xâm phạm đến nhà thờ họ. Nguyên thửa đất (trước khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là đất nhà thờ của một họ. Do con cháu trong họ đi làm ăn xa, chỉ còn một người cháu gái của họ thường lui tới thắp hương, vì vậy, họ đã giao đất nhà thờ cho một đứa cháu rể ở và trông coi.
Một thời gian sau, người cháu gái phát hiện nhà thờ họ bị hàng rào thép gai bao kín, cây cối trong vườn bị chặt phá và lối vào nhà thờ cũng bị cày xới để trồng hoa màu, không còn lối vào thắp hương. Hỏi đứa cháu rể thì mới tá hỏa là đất đã được cấp có thẩm quyền giao cho nó với toàn bộ diện tích, trong đó có cả nhà thờ.
Quá bất bình, người cháu gái mới tìm đến Đoàn đại biểu Quốc hội để trình bày. Với trách nhiệm là Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội, tôi đã hướng dẫn chị làm đơn và thụ lý vụ việc. Tôi đã về thực địa xem xét tình hình, thấy cây cối đang còn dấu vết mới bị chặt phá, trong đất có một ngôi nhà thờ cấp 4 khoảng 30 m2 vẫn còn tồn tại. Sau khi nắm rõ sự việc, tôi đã làm Công văn chuyển đơn đến chính quyền địa phương, kèm theo ảnh chụp cây cối, nhà thờ... và đề nghị địa phương xem xét, giải quyết.
Ngay sau đó, địa phương đã sửa sai, bàn bạc, thương lượng giữa các bên và quyết định điều chỉnh đất của đứa cháu rể chỉ còn một nửa và tách phần đất nhà thờ thành một thửa, cấp giấy CNQSD đất riêng. Sau khi được trả lại khuôn viên nhà thờ, người cháu gái của họ rất cảm động và cảm ơn Đoàn đại biểu Quốc hội đã kịp thời can thiệp.
Vụ việc thứ 2 là vấn đề dự án di dân khỏi vùng ô nhiễm của nhà máy xi măng Đông Hà. Qua nhiều năm cử tri kiến nghị, tỉnh đã đồng ý cho thị xã Đông Hà phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập dự án di dân, tái định cư cho một số hộ dân thuộc Phường 4, thị xã Đông Hà ở gần nhà máy xi măng, chịu ô nhiễm nặng phải di dời.
Tuy nhiên, khi lập dự án, có 4 hộ dân thuộc huyện Cam Lộ cũng sống trong khu vực gần nhà máy hơn những hộ dân thuộc thị xã Đông Hà nhưng không được đưa vào đối tượng của dự án vì khác địa phương. Vì vậy, các hộ dân này đến Đoàn đại biểu Quốc hội để đưa đơn kiến nghị được di dời cùng dự án Đông Hà.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chuyển đơn của các hộ đến UBND thị xã Đông Hà, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét, giải quyết. Sau đó các cơ quan liên quan đã xem xét và đưa ra giải pháp hợp lý, đưa 4 hộ dân thuộc huyện Cam Lộ vào đối tượng của dự án, được hỗ trợ di dời và đề nghị UBND huyện Cam Lộ giải quyết về đất tái định cư cho các hộ nói trên.
Trên đây chỉ đơn cử 2 vụ việc mà trong thời gian làm Thư ký Đoàn đại biểu Quốc hội tôi rất tâm đắc. Qua những câu chuyện này, tôi rất mong dù “bộ phận giúp việc” của Đoàn đại biểu Quốc hội có tổ chức, cơ cấu như thế nào thì cũng phải hết sức, hết lòng tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội một cách có hiệu quả, mang lại niềm tin trong Nhân dân.
Phạm Hồng Nam