Sáng 20/11 tới, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang sẽ mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử sơ thẩm vụ án “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, xảy ra tại mỏ than Bố Hạ của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang (Công ty Khoáng sản Bắc Giang).
Trong vụ án này, có 10 bị cáo bị đưa ra xét xử, trong đó 5 bị cáo bị đưa ra xét xử về 2 tội danh “vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm: Dương Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Khoáng sản Bắc Giang; Hà Văn Hòe, Tổng giám đốc; Phạm Thanh Thạch, Phó tổng giám đốc; Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc và Nguyễn Văn Thảo, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân An.
Bị cáo Lê Minh Dương, Phó giám đốc kiêm Kế toán trưởng Công ty Công ty TNHH MTV Xuân An (Công ty Xuân An) bị đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối tượng Dương Văn Dũng và Hà Văn Hòe. Ảnh: Bộ Công an.
Trước đó, phiên tòa đã được mở 2 lần, song đều phải tạm hoãn. Tại phiên tòa ngày 4/11, luật sư cho biết, vì lý do sức khỏe nên bị cáo Nguyễn Văn Thảo, Phó giám đốc Công ty Xuân An không trích xuất được từ trại tạm giam.
Bên cạnh đó, 1 luật sư và một số người có nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt không có lý do, nên đại diện Viện Kiểm sát và một số bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty Khoáng sản Bắc Giang tiền thân là Xí nghiệp hóa chất Barium (100% vốn nhà nước), được cổ phần hóa năm 2004.
Người đại diện theo pháp luật của công ty này là Dương Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị; các thành viên khác trong Hội đồng quản trị gồm: Hà Văn Hòe, Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị; Phạm Thanh Thạch, Phó tổng giám đốc; Hà Quang Huy (con trai Hòe), Phó tổng giám đốc; Nguyễn Anh Tuấn (cháu họ của Hòe), Trưởng phòng kinh doanh.
Cuối năm 2016, Công ty Khoáng sản Bắc Giang được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác tại mỏ than Bố Hạ, với tổng trữ lượng cấp phép là 1.659.206 tấn than.
Trong đó, khai thác bằng hình thức lộ thiên trong 10 năm là 426.384 tấn, khai thác hầm lò trong 26 năm là 1.232.822 tấn; công suất khai thác từ 13.445 tấn đến 100.000 tấn than/năm.
Tuy nhiên, ngay khi được cấp phép, các bị cáo tại Công ty Khoáng sản Bắc Giang là Hà Văn Hòe, Nguyễn Văn Dũng, Phạm Thanh Thạch đã thống nhất, cấu kết với Nguyễn Thị Hồng Thắm và Nguyễn Văn Thảo, Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Xuân An để công ty này được vào khai thác, tiêu thụ than tại mỏ than Bố Hạ.
Các bị cáo này cũng thỏa thuận ăn chia với tỷ lệ Công ty Khoáng sản Bắc Giang 23%, còn Công ty Xuân An hưởng 77% toàn bộ sản phẩm sau khai thác; trong đó Công ty Xuân An chịu trách nhiệm đưa máy móc, trang thiết bị vào khai thác lộ thiên; đồng thời được tiêu thụ lượng than khai thác sau khi phân chia, chịu trách nhiệm về nghĩa vụ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các loại thuế khác đối với sản lượng than đã tiêu thụ.
Tính đến cuối năm 2022, chỉ trong hơn 5 năm, Công ty Khoáng sản Bắc Giang tự khai thác được hơn 1,5 triệu tấn; Công ty Xuân An khai thác được hơn 3,7 triệu tấn, qua đó hưởng lợi theo phân chia gần 2,9 triệu tấn, còn Công ty Khoáng sản Bắc Giang hưởng gần 820 nghìn tấn.
Ngoài ra, quá trình khám xét tại mỏ than Bố Hạ, cơ quan điều tra đã đã thu giữ 611.700 tấn than tồn chưa tiêu thụ, do đó xác định, tổng khối lượng than 2 công ty trên đã khai thác từ khi được cấp phép đến ngày 16/2/2023 là trên 5,862 triệu tấn.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, tuy chỉ được cấp phép khai thác 426.384 tấn than bằng hình thức lộ thiên, song các đối tượng tại 2 công ty trên đã có hành vi chỉ đạo, thực hiện khai thác, tiêu thụ trái phép hơn 5,4 triệu tấn than tại mỏ than Bố Hạ.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng tỉnh Bắc Giang đã kết luận, trị giá số than bị khai thác trái phép trên là gần 570 tỷ đồng.
Huệ Nguyễn