Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, vượt 19% dự toán

Thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, vượt 19% dự toán
3 ngày trướcBài gốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, các Thứ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị
Chiều 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Tài chính.
Hội nghị nghe báo cáo kết quả công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025 trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.
Theo báo cáo, trong năm 2024, căn cứ nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất, trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát đối với các Luật thuế bảo vệ môi trường; Luật thuế tài nguyên; Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Kế toán; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trên cơ sở đó, sẽ nghiên cứu để lập đề nghị xây dựng các Luật và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bộ hoàn thành 63 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung. Tính đến hết 31/12/2024, đã hoàn thành 70/71 nhiệm vụ được giao; trình Chính phủ ban hành 23 Nghị định và 20 dự thảo Nghị định đang xem xét ban hành; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định và 2 dự thảo Quyết định đang xem xét ban hành.
Nhờ vậy, thu ngân sách nhà nước cả năm 2024 ước đạt khoảng 2.025,4 nghìn tỷ đồng, tăng 19,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15,5% so thực hiện năm 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước tăng 14,4% dự toán. Tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP.
Chi ngân sách nhà nước ước đến ngày 31/12/2024 đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định; tỷ lệ giải ngân ước đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng giao; chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.
Gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất thực hiện trong năm 2024
Cân đối ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp được đảm bảo. Đã thực hiện phát hành được 330,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,6% kế hoạch, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,5%/năm, đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.
Đồng thời, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ trong phạm vi dự toán, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương cắt giảm những khoản chi đã được giao trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30/6/2024 chưa phân bổ; thực hiện tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được khoảng 5.000 tỷ đồng, báo cáo Quốc hội dành cho nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo
Bộ Tài chính cũng tham mưu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 với tổng quy mô khi ban hành các chính sách dự kiến là khoảng 191 nghìn tỷ đồng. Kết quả thực hiện (bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023) ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.
Nợ công được quản lý chặt chẽ, thấp hơn ngưỡng cho phép. Đến cuối năm 2024, các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so thu ngân sách nhà nước khoảng 20-21%.
Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thành công trong điều hành phát triển kinh tế, tăng trưởng mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công được kiểm soát ở mức thấp. Cả 3 Tổ chức S&P, Fitch, Moody’s và S&P đều tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực, bền vững trong đó, S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng “Ổn định”.
Thị trường cổ phiếu, trái phiếu, bảo hiểm tăng trưởng tốt
Bên cạnh đó, công tác điều hành giá cả, thị trường được Bộ Tài chính bám sát tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân; tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.
Cụ thể, chỉ số CPI bình quân 11 tháng tăng 3,7% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,7%; ước cả năm CPI bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4-4,5%).
Trong năm 2024, thị trường chứng khoán có biến động với các phiên tăng, giảm đan xen, với xu hướng phục hồi so cuối năm trước. Tính đến ngày 27/12/2024, chỉ số VNIndex đạt 1.275,14 điểm, tăng 12,9% so với cuối năm 2023. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023. Giá trị giao dịch bình quân đạt 21,1 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,9% so với bình quân năm trước.
Năm 2024, có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023; có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành đã thực hiện đăng ký giao dịch. Tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên.
Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm. Thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Tổng tài sản năm 2024 ước đạt khoảng 1.007 nghìn tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm trước); đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 850 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2%; chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9%.
Ngoài ra, công tác cải hành chính, chuyển đổi số, sắp xếp, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; công tác cổ phần hóa, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; công tác quản lý sử dụng tài sản công; thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước tiếp tục được tăng cường tháo gỡ. Các hoạt động hợp tác tài chính đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế chủ động triển khai giải pháp tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài, bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cũng sẽ tham gia phát biểu, thảo luận xung quanh các kết quả đạt được, đề xuất, kiến nghị với Bộ Tài chính trong năm 2025.
Phương Thảo
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/thu-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2024-dat-hon-2-trieu-ty-dong-vuot-19-du-toan-722672.html