Thu ngân sách nhà nước năm 2025: nhiều tín hiệu lạc quan

Thu ngân sách nhà nước năm 2025: nhiều tín hiệu lạc quan
5 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh các chỉ tiêu dự báo về vĩ mô của kinh tế Việt Nam đều có sự phục hồi tốt hơn, nên khả năng đảm bảo mục tiêu thu theo dự toán là có thể đạt được.
Số thu kỷ lục
Năm 2024, dù thực hiện miễn, giảm, gia hạn hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng thu NSNN lần đầu vượt ngưỡng 2 triệu tỷ đồng, đạt 2.037.500 tỷ đồng, bằng 119,8% (tăng khoảng 336,5 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 16,2% so năm 2023.
Trong đó, thu ngân sách T.Ư đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 114,4% dự toán, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đáng chú ý, cùng với mức thu ngân sách cao kỷ lục của cả nước, số thu ngân sách riêng của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng lần đầu tiên vượt mốc nửa triệu tỷ đồng mỗi TP. Qua đó đóng góp hơn một nửa vào tổng thu ngân sách chung. Cụ thể, theo Cục Thống kê Hà Nội, năm 2024, hoạt động thu NSNN của địa phương lập kỷ lục với tổng thu đạt 509.300 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán pháp lệnh năm và so với năm 2023 tăng 23,8%.
Đứng ở vị trí thứ 2 là TP Hồ Chí Minh với tổng thu NSNN năm 2024 ước đạt 508.533 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán pháp lệnh năm và so với năm 2023 tăng 23,8%.
Chi ngân sách NSNN được điều hành chủ động, quản lý chặt chẽ, theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ; tập trung vốn cho các dự án đầu tư, công trình trọng điểm (đường bộ cao tốc, giao thông liên vùng,...), kinh phí cho các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện cải cách tiền lương, trợ cấp các đối tượng chính sách...
Một kết quả đáng ghi nhận là nợ công được kiểm soát chặt chẽ, duy trì ở mức thấp hơn ngưỡng cho phép, với các chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36 - 37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33 - 34% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN ở mức 20 - 21%.
Thị trường chứng khoán, trái phiếu DN đã từng bước vượt qua khó khăn và có bước phát triển ổn định. Đến hết năm 2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,1% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa đạt 70% GDP năm 2023, tăng 20,6% so cuối năm 2023.
Thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, với 85 DN kinh doanh bảo hiểm, tổng tài sản đạt khoảng 1.007.000 tỷ đồng (tăng 10,9% so với năm 2023); đầu tư trở lại nền kinh tế đạt khoảng 850.000 tỷ đồng, tăng 13,2%; chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 227,5 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9%.
Giá cả, thị trường được kiểm soát ổn định. Bộ Tài chính đã tích cực đề xuất và triển khai giải pháp điều hành; phối hợp với các bộ, địa phương điều hành giá các mặt hàng quan trọng Nhà nước quản lý giá, như: giá xăng dầu, giá điện, giáo dục, y tế... góp phần bình ổn giá cả thị trường, kiểm soát giá theo mục tiêu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, kết quả thu NSNN tăng cao góp phần có thêm nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách đột xuất phát sinh, tăng chi đầu tư phát triển và bảo đảm an sinh xã hội. Thành công này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh ngành tài chính kiên trì thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân và DN.
Đặc biệt, cơ cấu thu NSNN đã có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững, giảm phụ thuộc vào các nguồn thu bên ngoài, gia tăng tỷ trọng thu nội địa. Cùng với đó, các chính sách tài khóa linh hoạt đã hỗ trợ hiệu quả cho người dân và DN, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5 -7,0%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6% so với năm 2024), Bộ Tài chính đã có dự toán NSNN năm 2025 trình Quốc hội.
Theo đó, Bộ Tài chính dự toán thu NSNN năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, đạt tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 16% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,8% GDP.
Về chi NSNN, Bộ Tài chính xác định chi NSNN theo nguyên tắc, bố trí chi đầu tư phát triển ở mức tích cực, bảo đảm tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN và phù hợp với khả năng cân đối NSNN.
Nuôi dưỡng nguồn thu bền vững
Nhận định về dự toán thu NSNN năm 2025, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) Phạm Văn Long đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, mặc dù kinh tế thế giới khó khăn, nhưng các chỉ tiêu dự báo về vĩ mô của kinh tế Việt Nam đều cho thấy có sự phục hồi tốt hơn, nên khả năng mục tiêu thu theo dự toán không khó để có thể đạt được.
Tuy nhiên, ông Long lưu ý, cần phải xem xét đến các yếu tố biến đổi về kinh tế chính trị của quốc gia khác trên thế giới để có các kịch bản, bởi sẽ ảnh hưởng đến các nguồn thu liên quan đến xuất nhập khẩu, trong khi mục tiêu trong dự toán NSNN năm 2025 và các năm sắp tới thì huy động nguồn thu ngân sách từ xuất nhập khẩu có xu hướng tăng lên. Nếu có các biến động về kinh tế, chính trị thế giới thì sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu.
Cũng tin tưởng vào dự toán thu ngân sách năm 2025, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đánh giá, nhìn chung dự toán thu NSNN được xây dựng ở mức tích cực trong bối cảnh dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức cao, thu từ ba khu vực sản xuất, kinh doanh đều tăng so với ước thực hiện năm 2024...
Dù vậy, cũng phải lưu ý nền kinh tế còn những rủi ro trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước thời gian qua chậm, ảnh hưởng đến thực hiện dự toán các nguồn thu này.
TS. Nguyễn Quốc Việt đề xuất giải pháp để có nguồn thu bền vững, nuôi dưỡng nguồn thu NSNN. Đầu tiên, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi và dần dần chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức, giúp ngành thuế bảo đảm việc thu công bằng, thu đúng, thu đủ, mở rộng diện thu thuế; đồng thời, cần phải bảo đảm nguyên tắc vừa thu, vừa phát huy được sức dân và DN.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp giảm gánh nặng thuế thu nhập cá nhân, hài hòa giữa mở rộng thuế, bảo đảm thu đủ để người lao động có tích lũy. Trên cơ sở tích lũy đó, người lao động đầu tư lại cho tương lai, đầu tư vào tài sản, tạo nguồn thu bền vững từ thuế tài sản, hoặc thuế thu nhập cá nhân.
Về phía Bộ Tài chính, để đạt các mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra, bộ quán triệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giữ vững nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Đồng thời, bộ thực hiện nghiêm pháp luật về thu, quản lý thu NSNN, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất bảo đảm nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Để có một nền kinh tế vững mạnh vượt qua những khó khăn thách thức chung trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, chúng ta cần tiếp tục tái cơ cấu nguồn thu NSNN, đặc biệt là chú trọng tới nguồn thu thuế nội địa.
Các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cần xem xét để mở rộng đối tượng chịu thuế, nâng mức thuế suất phù hợp với từng nhóm hàng hóa, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Phương Nga
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/thu-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2025-nhieu-tin-hieu-lac-quan.html