Không giống như các loài bò sát và cá vốn thay răng theo chu kỳ thường trực, con người và đa số các loài động vật có vú chỉ có hai lần mọc răng.
Tuy nhiên, Giáo sư Katsu Takahashi - người đứng đầu khoa phẫu thuật răng miệng của bệnh viện Kitano thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa ở Osaka (Nhật Bản) cho biết, con người không chỉ có hai bộ răng mà dưới nướu của chúng ta còn tồn tại các mầm răng thế hệ thứ ba ở trạng thái ngủ đông.
Theo ông Katsu Takahashi, thực tế về việc con người tồn tại các mầm răng thế hệ thứ ba ở trạng thái ngủ đông đã thúc đẩy ông nghiên cứu và thử nghiệm loại thuốc giúp những người mất răng có thể mọc lại răng mới.
Nếu thành công, đây sẽ tiên phong trở thành giải pháp thay thế việc trồng răng nhân tạo do sâu hoặc do chấn thương với chi phí đắt đỏ, Reuters hôm 13/12 đưa tin.
Kết quả phục hồi răng thử nghiệm trên chuột với liều kháng thể trung hòa USAG-1.Ảnh: Toregem Bio Pharma Co./báo Công an nhân dân
Cụ thể, loại thuốc này hoạt động dựa trên cơ chế ngăn chặn protein USAG-1, vốn là yếu tố gây ức chế sự phát triển của răng. Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên chuột và chồn sương hồi tháng 10 ở bệnh viện Đại học Kyoto của nhóm nghiên cứu do ông Katsu Takahashi đừng đầu cho thấy, răng mới đã mọc trở lại.
Ông Katsu Takahashi chia sẻ rằng vị trí của một chiếc răng mới có thể được kiểm soát bằng cách xác định vị trí tiêm thuốc. Trong trường hợp mọc lệch, răng mới hoàn toàn có thể được chỉnh nha để về đúng vị trí mong muốn.
Trong giai đoạn nghiên cứu mới nhất, đội ngũ chuyên gia ưu tiên "thúc" răng mọc ở những bệnh nhân bị mất răng vĩnh viễn từ 5 chiếc trở lên do di truyền.
Ước tính khoảng 0,1% dân số thế giới đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất răng di truyền, khiến họ gặp khó khăn nghiêm trọng khi nhai.
Những người Nhật Bản mắc tình trạng trên thường buộc phải đeo khẩu trang để che đậy khuôn miệng không hoàn chỉnh. Vì thế, loại thuốc mới, nếu được thử nghiệm thành công, sẽ mang đến giải pháp "thay đổi cuộc chơi" cho những người bị ảnh hưởng.
Các nhà nghiên cứu đặt mục tiêu đưa loại thuốc trên ra thị trường sớm nhất là vào năm 2030 và ưu tiên điều trị cho các trẻ em mắc rối loạn di truyền gây mất răng bẩm sinh - tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng khoảng 0,1% dân số.
Minh Hoa (t/h theo Thanh Niên, Công an nhân dân)