Tại xã Hạ Mỹ, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) có một gia đình đã nửa thế kỷ nay trăn trở đi tìm phần mộ của người thân, là liệt sĩ Nguyễn Văn Nghi (SN 1964). Ngày còn trẻ vào những năm 80 của thế kỷ trước, liệt sĩ Nguyễn Văn Nghi xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 208, Bộ Tham mưu mặt trận 979, Quân khu 9, có nhiệm vụ truy quét tàn quân Pol Pot. Đến tháng 12.1983, một người đồng đội, là đồng hương của anh gửi thư cho gia đình báo tin trong một lần phục vụ chiến đấu và bị địch phục kích, chiến sĩ Nguyễn Văn Nghi đã anh dũng hy sinh tại cao điểm 150, Koh Kong, Campuchia. Từ sau khi nhận giấy báo tử, gia đình liệt sĩ Nghi luôn mong có ngày đưa được hài cốt anh trở về chôn cất tại quê hương.
Đến hiện tại, khi điều kiện đi lại không còn khó khăn như trước, gia đình liệt sĩ bắt đầu hành trình tìm người thân, từ nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên (An Giang) là nơi hàng chục nghìn hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia được các đội quy tập tìm kiếm và đưa về.
Công an tỉnh Quảng Bình thu nhận mẫu ADN tại nhà thân nhân liệt sỹ chưa xác định danh tính
“Trong số 8.000 ngôi mộ tại nghĩa trang có một ngôi mộ đề chữ Nghi trên bia, thắp lên hy vọng và sự thấp thỏm cho cả gia đình, nhưng qua xác định thì không phải là mộ em tôi. Việc tìm kiếm lại quay về ban đầu”, ông Nguyễn Duy Minh, anh trai của liệt sĩ cho biết.
Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nghi đã nhiều lần tìm gặp đồng đội và đơn vị cũ của anh để có thêm manh mối, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Và hành trình gần nửa thế kỷ đi tìm hài cốt người con trong gia đình vẫn chưa dừng lại.
Và cũng giống như gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Nghi, hàng nghìn mẹ đẻ liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang đau đáu tìm người thân trở về. Theo số liệu cập nhật trên cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, đến nay toàn tỉnh có 3.735 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Trong đó liệt sỹ không có thông tin phần mộ là 2.896 trường hợp; phần mộ liệt sỹ không có hài cốt là 839 trường hợp. Và giờ đây, nhờ vào khoa học và trách nhiệm - nghĩa đồng bào, hành trình dài đằng đẵng thập kỷ của các gia đình thân nhân liệt sỹ có thêm tia hy vọng.
Trong những ngày hướng về mùa xuân lịch sử của đất nước, Công an tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an và Công ty CP GeneStory thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính.
“Thực hiện kế hoạch, chúng tôi đã tích cực phối hợp, chủ động tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc thu nhận mẫu được triển khai bảo đảm chính xác, kịp thời, đúng quy trình và kế hoạch đề ra. Đây là một nhiệm vụ không chỉ mang tính chuyên môn mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, đồng thời chia sẻ phần nào những mất mát to lớn với thân nhân các liệt sĩ trong suốt nhiều năm qua”, Thượng tá Phạm Thanh Hoàng, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh Quảng Bình thông tin.
Trong quá trình thực hiện, các cán bộ chiến sĩ nghiêm túc giải quyết công việc nhanh chóng, không để mẹ đẻ liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng và thân nhân phải chờ đợi. Trong đợt đầu triển khai, đã có 30 trường hợp được thu nhận mẫu ADN, gồm 15 mẹ và 15 thân nhân liệt sĩ để phục vụ công tác giám định. Cùng với các điểm tập trung lấy mẫu tại xã, phường, đối với một số trường hợp thân nhân liệt sĩ già yếu, sức khỏe không cho phép, cán bộ, chiến sĩ đến tận từng nhà, tận tình hướng dẫn, ân cần động viên, thăm hỏi…
Mẹ Lê Thị Kiểu, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Nghi, nay đã tròn 93 tuổi. Thời gian dù lấy đi nhiều ký ức của người mẹ nhưng nỗi nhớ canh cánh về người con trai hy sinh khi tuổi đôi mươi vẫn khắc ghi trong lòng. Việc thu nhận mẫu ADN của thân nhân liệt sĩ đã góp phần thắp lên hy vọng, cũng như đồng hành với các gia đình trong hành trình tìm con, tìm người thân phía trước.
Hiện nay, Phòng Cảnh sát QLHC và TTXH, Công an tỉnh Quảng Bình, đang tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ, các tổ chức chính trị xã hội để rà soát, xác minh, thu thập, làm sạch thông tin thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cập nhật dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an cấp xã phối hợp rà soát, tổng hợp thông tin theo phiếu khảo sát để xác định thân nhân có quan hệ huyết thống theo dòng họ ngoại với các liệt sĩ chưa xác định được danh tính và tự nguyện cung cấp mẫu sinh phẩm trong quá trình cấp căn cước công dân để phục vụ lưu trữ, đối chiếu, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Khánh Trinh