Thu nhập 150 triệu/tháng vẫn sống khổ: Tiết kiệm hay keo kiệt?

Thu nhập 150 triệu/tháng vẫn sống khổ: Tiết kiệm hay keo kiệt?
9 giờ trướcBài gốc
Mới đây, một bài đăng trên mạng xã hội đã thu hút nhiều sự quan tâm khi chủ nhân chia sẻ về lối sống tiết kiệm “đến từng đồng” dù có thu nhập rất cao.
Theo nội dung bài đăng, người phụ nữ kể về tuổi thơ cơ cực – từng phải uống nước đường chống đói vì nhà không có gạo, đến khi học đại học vẫn giữ thói quen đói thì pha đường uống cho qua bữa. Chính vì những ký ức ấy, dù hiện tại vợ chồng đã có thu nhập ổn định và khá giả - chồng làm công trình lương 40 triệu/tháng, đưa vợ 90% tiền vì ít chi tiêu; bản thân chị làm việc online thu nhập đều đặn từ 100-150 triệu/tháng nhưng chị vẫn sống cực kỳ tằn tiện.
Chị chia sẻ thường chỉ đi chợ vào buổi trưa để mua đồ bán ế cho rẻ, ăn hoa quả thì lựa lúc chợ chiều mới mua vì giá thấp hơn. Có hôm nấu mì tôm cho con ăn thì để phần nước chan cơm cho mình. Tổng chi tiêu của cả gia đình 5 người chỉ vỏn vẹn trong 15 triệu đồng/tháng, bao gồm cả tiền học cho ba đứa con. Ngay cả với con cái, chị cũng luôn nói rằng nhà đang đi thuê để các bé không đòi hỏi gì nhiều. Trong khi thực tế, chị đã sở hữu nhà đất mặt phố, thêm hai mảnh đất khác làm của để dành.
“Em biết là hơi kham khổ, nhưng em cứ sợ nghèo lại, cứ sợ có biến cố mà không có khoản tiết kiệm thì không biết xoay đâu”, chị chia sẻ.
Dẫu có thu nhập cao, người phụ nữ vẫn sống kham khổ. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, phần đông cư dân mạng lại không đồng tình với lối sống này:
“Đây không phải tiết kiệm mà là keo kiệt. Có tiền nhưng ăn uống kham khổ, chẳng may ốm đau thì khổ cả mình lẫn con”.
“Ngày xưa khổ rồi thì giờ phải lo cho con sống tốt hơn chứ. Cứ mãi sống trong sợ hãi thì bao giờ mới hạnh phúc?”.
“Tiền để dành không sai, nhưng sức khỏe, dinh dưỡng cho cả nhà cũng quan trọng lắm. Đừng đợi đến lúc phải dùng tiền để chữa bệnh thì mới thấy tiếc”.
Dẫu vậy, cũng có người tỏ ra đồng cảm: “Mỗi người có một quá khứ và nỗi sợ riêng. Khó trách được khi họ chọn cách sống an toàn như vậy”.
Tiết kiệm thông minh – Đâu là ranh giới với sự keo kiệt?
Lối sống tiết kiệm là điều đáng khuyến khích, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động. Tuy nhiên, khi tiết kiệm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe và sự phát triển của các thành viên trong gia đình, nhất là con trẻ thì rất có thể bạn đã đi quá giới hạn và rơi vào “bẫy keo kiệt”.
Vậy tiết kiệm thế nào để không bị cực đoan? Dưới đây là một số nguyên tắc giúp bạn cân bằng:
1. Xác định rõ mục tiêu tài chính
Không nên tiết kiệm một cách mơ hồ chỉ vì sợ hãi quá khứ hay phòng ngừa “mọi rủi ro có thể xảy ra”. Thay vào đó, hãy cụ thể hóa mục tiêu:
- Bạn cần bao nhiêu để nghỉ hưu sớm?
- Bao nhiêu để học phí cho con trong 10 năm tới?
- Khoản khẩn cấp bao nhiêu là đủ?
Khi có mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ biết mình cần tiết kiệm bao nhiêu và không còn phải cắt giảm những khoản chi thiết yếu một cách mù quáng.
Cần có giới hạn giữa chi tiêu tiết kiệm và sống keo kiệt. Ảnh minh họa
2. Dành ngân sách rõ ràng cho các nhóm chi tiêu
Một phương pháp quản lý tài chính hiệu quả là chia thu nhập theo tỷ lệ hợp lý:
- 50% cho chi tiêu thiết yếu (ăn uống, học hành, y tế, đi lại…)
- 20% tiết kiệm và đầu tư
- 30% cho các khoản cá nhân, giải trí, chăm sóc bản thân và gia đình
Trong trường hợp thu nhập cao, bạn có thể tăng tỷ lệ tiết kiệm lên 30–40%, nhưng không nên giảm chi tiêu thiết yếu xuống quá thấp đặc biệt là khoản dành cho dinh dưỡng và sức khỏe của cả nhà.
3. Đầu tư vào sức khỏe và giáo dục là khoản tiết kiệm dài hạn
Cắt giảm chi tiêu không có nghĩa là cắt giảm dinh dưỡng. Một chế độ ăn đủ chất không cần quá đắt tiền, nhưng nhất định phải đầy đủ và an toàn. Tương tự, đầu tư cho học hành của con là khoản “chi tiêu” cần thiết và sinh lời lâu dài.
Tiết kiệm bằng cách hy sinh sức khỏe hay tương lai của con là một quyết định thiển cận. Bệnh tật và hệ lụy từ việc thiếu đầu tư giáo dục sẽ khiến bạn phải trả cái giá còn cao hơn nhiều.
4. Lập quỹ dự phòng hợp lý
Việc người phụ nữ trong câu chuyện trên luôn lo lắng về những rủi ro bất ngờ là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thay vì sống trong nỗi sợ thường trực, bạn nên thiết lập quỹ dự phòng đủ lớn để an tâm hơn.
Theo các chuyên gia tài chính, bạn nên có khoản tiết kiệm bằng 3–6 tháng chi phí sinh hoạt để ứng phó khi cần. Nếu một tháng gia đình bạn chi 30 triệu đồng, thì quỹ dự phòng nên vào khoảng 90–180 triệu đồng.
Sau khi quỹ này đã đủ, hãy cho phép bản thân và gia đình sống thoải mái hơn trong khoản còn lại.
5. Đừng ngại chia sẻ và phân bổ trách nhiệm tài chính trong gia đình
Một số trường hợp sống kham khổ xuất phát từ việc người vợ hoặc chồng tự “ôm hết” trách nhiệm tài chính. Trong khi đó, hôn nhân nên là sự chia sẻ. Nếu thu nhập ổn định, cả hai vợ chồng nên cùng nhau xây dựng kế hoạch chi tiêu, cùng quyết định mức tiết kiệm và cùng tận hưởng thành quả lao động.
Khi các thành viên cùng đồng thuận, việc cân đối giữa tiết kiệm và tận hưởng sẽ trở nên dễ dàng và lành mạnh hơn rất nhiều.
Vân Anh - CTV
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/kinh-doanh/thu-nhap-150-trieu-thang-van-song-kho-202507121844535591.html