Sáng nay (27/12), Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2024, cùng với sự phục hồi và phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, các giải pháp phát triển thị trường lao động được chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ nhằm hình thành thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Chú trọng xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm và lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc.
Toàn cảnh hội nghị
Các chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác được thực hiện hiệu quả. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế của đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì ở mức thấp, dưới 3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%,tăng 4,5 điểm phần trăm so với năm 2020 (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng 4 điểm phần trăm so với năm 2020), đạt mục tiêu Quốc hội giao; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế.
Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi nhanh chóng, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tăng dần về số lượng và nâng cao về chất lượng, đem lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể. Ước tính cả năm 2024 là 150.000 người, đạt 120% kế hoạch. 4 năm 2021-2024, đưa gần 500.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay có gần 700.000 người lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về nước 3,5-4 tỷ đô la. Tăng cưởng quản lý, cấp giấy phép cho lao động nước ngoài, góp phần bảo đảm cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường trong nước mà lao động việt nam chưa đáp ứng được.
Bộ LĐ-TB-XH cho biết, năm 2024, Bộ tiếp tục thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương về cải cách tiền lương, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; hỗ trợ, kiện toàn hệ thống giải quyết tranh chấp lao động; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cơ bản giữ được sự hài hòa và ổn định, các hoạt động đối thoại, thương lượng ngày càng đi vào thực chất, số cuộc đình công giảm (năm 2024, cả nước xảy ra 49 cuộc đình công), tiền lương, thu nhập tăng (năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động hưởng lương đạt khoảng 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020), đời sống của người lao động có sự cải thiện.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thị trường lao động phục hồi nhanh và có bước phát triển, tuy nhiên, có sự thiếu hụt lao động nhẹ tại các địa bàn trọng yếu, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Lao động có việc làm có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn; chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.
Từ những thực tế trên, năm 2025, lĩnh vực lao động xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án về hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước; chú trọng giải quyết việc làm cho thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức. Ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao; tăng cường công tác đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước. Làm tốt công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đảm bảo hài hòa việc cung ứng lao động chất lượng cao nước ngoài vào làm việc, hỗ trợ và thúc đẩy chất lượng lao động trong nước.
Nguyễn Trang/VOV.VN