Thu nhập cao từ mô hình dưa lưới

Thu nhập cao từ mô hình dưa lưới
7 giờ trướcBài gốc
Trước khi trồng dưa lưới, anh Cường có hơn 2 năm làm tại trang trại trồng chuyên canh dưa lưới. Anh quyết định xin nghỉ việc tại trang trại trồng dưa lưới về quê nhà lập nghiệp. Do điều kiện thổ nhưỡng tùy vùng đất và tùy địa phương khác nhau, nên ban đầu anh chỉ trồng thử nghiệm 50m2 dưa lưới. Qua 2 đợt trồng thử, dưa đều đạt năng suất và chất lượng rất tốt, không có dịch bệnh, sâu hại tấn công. Từ hiệu quả của việc trồng thử nghiệm, anh Cường đã mạnh dạn đầu tư xây dựng khu nhà màng, diện tích 250m2 để xuống giống 500 dây, chủ yếu là giống dưa thanh long, dưa hoàng kim. Sau 75 ngày trồng đã cho thu hoạch trái, sản lượng cao, giá bán 50.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận 20 triệu đồng/đợt trồng.
Anh Võ Tấn Cường chia sẻ: "Sau gần 2 năm trồng dưa lưới, hiệu quả kinh tế đem về tốt, tôi quyết định mở rộng thêm diện tích trồng dưa lưới trong nhà màng là 500m2. Hiện tại, tôi có 2 nhà màng trồng dưa lưới và dưa được trồng theo hình thức chuyên canh, nên dưa có xuất bán ra thị trường hằng tháng. Trong 1 năm, tôi sẽ trồng được 7 đợt dưa. Tổng diện tích 750m2 nhà màng trồng dưa lưới, sản lượng dưa thu về hơn 3,5 tấn trái, trừ chi phí lợi nhuận hơn 65 triệu đồng/đợt. Sắp tới, tôi mở rộng diện tích trồng dưa lưới thêm 500m2".
Anh Võ Tấn Cường, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) bên nhà màng trồng dưa lưới sẽ cho thu hoạch trong khoảng 20 ngày tới. Ảnh: THÚY LIỄU
Theo kinh nghiệm của anh Cường, để dưa lưới phát triển tốt trong nhà màng, ngoài yếu tố kỹ thuật thì khâu chọn giống và chăm sóc cây rất quan trọng. Do đó, phải chọn cây giống khỏe mạnh, không dị hình, ngọn phát triển tốt, không có biểu hiện nhiễm sâu hại. Giá thể trồng dưa lưới được cho vào túi trồng, với thành phần là mụn dừa và phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học. Tỷ lệ giữa các thành phần là 80% mụn xơ dừa và 20% phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học. Cách bố trí cây dưa lưới bên trong giá thể trồng trong nhà màng có khoảng cách cây cách cây từ 0,3 - 0,35cm, hàng cách hàng 1 - 1,2m. Sau 7 - 10 ngày trồng dưa, cây cao khoảng 50cm, tiến hành treo cây bằng hệ thống dây treo trong nhà màng và tỉa bớt nhánh phụ, nhánh không mang trái. Từ 15 - 20 ngày sau trồng, dưa lưới đã ra hoa thì tiến hành thụ phấn cho hoa kết trái bằng tay hoặc sử dụng ong nuôi bên trong nhà lưới. Để đảm bảo trái dưa đạt trọng lượng, chất lượng như mong muốn, mỗi dây dưa chỉ chừa 1 trái để chăm sóc tốt nhất. Về phòng trừ sâu bệnh, do dưa lưới trồng trong nhà màng hầu như không có sâu hại tấn công, tuy nhiên cần phải phòng ngừa một số bệnh hại có thể xuất hiện như: bệnh phấn trắng, bệnh giả sương mai, bệnh lở cổ rễ, bệnh nứt thân chảy nhựa. Các bệnh trên cần phải phòng ngừa và sử dụng các loại thuốc đặc trị khi phát hiện.
“Dưa lưới phát triển tốt trong điều kiện khí hậu ấm khô và nhiều ánh sáng nên phù hợp điều kiện tự nhiên vùng đất tại nơi anh Võ Tấn Cường phát triển trồng. Việc canh tác dưa lưới trong nhà màng của anh Cường được xem là mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần thúc đẩy nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững. Nhằm nhân rộng mô hình, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến hộ dân tại các địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát triển trồng dưa lưới trong nhà màng. Để đầu ra trái dưa lưới ổn định, đơn vị sẽ tìm kiếm công ty, doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu cho hộ dân nếu phát triển trồng diện tích lớn…”, đồng chí Liễu Nghĩa Tín - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng cho biết.
THÚY LIỄU
Nguồn Sóc Trăng : https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/202410/thu-nhap-cao-tu-mo-hinh-dua-luoi-c396eda/