Thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn đáng kể so với nhóm chính thức

Thu nhập của lao động phi chính thức thấp hơn đáng kể so với nhóm chính thức
17 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Báo cáo tổng quan lao động có việc làm phi chính thức ở Hà Nội giai đoạn 2021 – 2023, do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội vừa phát hành, cho thấy trong giai đoạn này, lao động phi chính thức tại Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, từ thu nhập thấp hơn đến thiếu quyền lợi và bảo vệ.
LAO ĐỘNG PHI CHÍNH THỨC ÍT ĐƯỢC HƯỞNG CÁC CHÍNH SÁCH VỀ BẢO HIỂM
Theo báo cáo, tính đến năm 2023, số lao động phi chính thức trên thị trường Hà Nội là 1,89 triệu người (tăng 15,3% so với năm trước) và chiếm 50,17% tổng số lao động có việc làm.
Lao động phi chính thức ở Hà Nội chủ yếu tập trung ở các ngành nghề có tính chất dễ thay đổi và không yêu cầu trình độ cao. Phần lớn họ có trình độ học vấn thấp hoặc những người đến từ khu vực nông thôn, thiếu cơ hội việc làm chính thức.
Lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn đáng kể so với lao động chính thức. Thu nhập từ công việc chính của người lao động trong năm 2021 - 2023 lần lượt đạt 6,305 triệu đồng; 8,572 triệu đồng và 8,303 triệu đồng, tương ứng lần lượt bằng khoảng 63%; 80% và 71% thu nhập của lao động khu vực chính thức cùng năm.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sự chênh lệch này phản ánh nhiều yếu tố, từ quyền lợi và chế độ phúc lợi mà lao động chính thức được hưởng, đến điều kiện làm việc ổn định hơn. Lao động phi chính thức thường gặp phải những rủi ro về việc làm, không có hợp đồng lao động rõ ràng, và ít được hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay các quyền lợi khác.
Xét về giới tính, có sự phân hóa rõ ràng trong thu nhập giữa nam và nữ ở cả hai nhóm lao động. Nam giới luôn có mức thu nhập cao hơn nữ giới trong tất cả các năm. Điều này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm sự khác biệt về loại công việc mà nam và nữ tham gia, cũng như bất bình đẳng giới trong việc tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp và thăng tiến.
Nam giới dù làm công việc chính thức hay phi chính thức đều có thu nhập cao hơn nữ giới trong cùng nhóm khoảng 3 triệu đồng. Năm 2022, thu nhập của lao động chính thức nam đạt 10,140 triệu đồng, của nữ giới nhóm này đạt 7,441 triệu đồng.
Theo khu vực thành thị - nông thôn, khoảng cách thu nhập giữa lao động chính thức và phi chính thức gia tăng đáng kể. Tại thành thị, chênh lệch thu nhập giữa lao động chính thức và phi chính thức khoảng 4 triệu đồng (bình quân thu nhập trong giai đoạn 2021 – 2023 của lao động chính thức là 12,026 triệu đồng so với chỉ 7,916 triệu đồng của lao động phi chính thức).
Ở khu vực nông thôn, mức chênh lệch này khoảng 1,5 triệu đồng (bình quân thu nhập trong giai đoạn 2021 – 2023 của lao động chính thức là 9,037 triệu đồng so với 7,617 triệu đồng của lao động phi chính thức).
Sự chênh lệch này có thể xuất phát từ điều kiện làm việc, cơ hội việc làm và sự phát triển kinh tế khác nhau giữa hai khu vực. Ở thành thị, các ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập cao hơn. Trong khi đó, lao động ở nông thôn thường làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc các công việc mang tính chất thời vụ, thu nhập bấp bênh hơn.
MỨC THU NHẬP CHÊNH LỆCH GIỮA CÁC NHÓM LAO ĐỘNG
Đáng chú ý, vị thế của người lao động có ảnh hưởng đáng kể đến mức chênh lệch về thu nhập giữa lao động chính thức và phi chính thức. Trong giai đoạn 2021 – 2023, lao động phi chính thức có thu nhập thấp hơn khoảng 2,4 – 3,7 triệu đồng so với lao động chính thức.
Thông tin về quyền lợi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động phi chính thức. Ảnh: Duy Nguyễn.
Mức chênh lệch này cao nhất ở nhóm chủ cơ sở có đăng ký kinh doanh và nhóm chủ cơ sở không đăng ký kinh doanh (chênh lệch 9,2 triệu đồng năm 2022). Điều này có thể phản ánh những khó khăn mà các chủ cơ sở phi chính thức phải đối mặt, chẳng hạn như hạn chế về vốn, thị trường tiêu thụ không ổn định, hoặc không nhận được hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước.
Ngược lại, các chủ cơ sở chính thức có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn lực tài chính và chính sách hỗ trợ, giúp họ duy trì và thậm chí gia tăng thu nhập.
Đối với nhóm lao động làm công hưởng lương, mức chênh lệch này là khoảng 3 triệu đồng, cho thấy sự chênh lệch thu nhập rõ rệt giữa lao động chính thức và phi chính thức.
Sự chênh lệch này cho thấy rằng lao động chính thức có những lợi thế vượt trội về thu nhập và điều kiện làm việc so với lao động phi chính thức. Họ thường được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động ổn định và các chế độ phúc lợi khác.
Trong khi đó, lao động phi chính thức thường phải đối mặt với sự bất ổn về công việc, thiếu các quyền lợi cơ bản và khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Thu nhập bình quân của lao động phi chính thức làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là thấp nhất, lần lượt các năm 2021 – 2023 là 4,652 triệu đồng/tháng; 7,026 triệu đồng/tháng và 4,745 triệu đồng/tháng.
Mức này thấp hơn rất nhiều so với các ngành khác trong cùng giai đoạn. Chẳng hạn, khu vực dịch vụ lần lượt là 6,359 triệu đồng/tháng; 9,34 triệu đồng/tháng; 8,456 triệu đồng/tháng; khu vực công nghiệp lần lượt là 6,255 triệu đồng/tháng; 7,404 triệu đồng/tháng; 8,08 triệu đồng/tháng.
Báo cáo cũng ghi nhận thứ hạng về thu nhập của lao động phi chính thức làm việc trong các ngành kinh tế không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Tuy nhiên, ở tất cả các ngành, thu nhập bình quân của lao động phi chính thức nam luôn cao hơn nữ, phản ánh tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ trong thị trường lao động phi chính thức.
Mức chênh lệch cao nhất ghi nhận được ở ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, thu nhập của nam cao gấp 2,5 lần thu nhập của nữ, tạo ra một khoảng cách lớn về mức sống và khả năng tiếp cận cơ hội kinh tế của lao động nữ.
Ở các ngành khác, mặc dù mức chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ không lớn bằng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhưng vẫn tồn tại sự khác biệt, với mức chênh lệch này xấp xỉ 1,5 lần.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ trong khu vực phi chính thức có thể xuất phát từ nhiều yếu tố. Một trong số đó là sự phân biệt giới tính trong quá trình tuyển dụng và thăng tiến nghề nghiệp.
Vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động phi chính thức là mục tiêu quan trọng, không chỉ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, mà còn để thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Nhật Dương
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/thu-nhap-cua-lao-dong-phi-chinh-thuc-thap-hon-dang-ke-so-voi-nhom-chinh-thuc.htm