Thu nhập ổn định nhờ nghề thêu tay

Thu nhập ổn định nhờ nghề thêu tay
3 giờ trướcBài gốc
Tận dụng thời gian rảnh rỗi, nhiều phụ nữ ở xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh) đã học và nhận thêu tay trên các sản phẩm. Nhờ đó, có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện cuộc sống.
Chị Hồ Thị Hội (sinh năm 1995, trú thôn Hải Triều, xã Vạn Long) gắn bó với nghề thêu tay đã 14 năm nay. Đa phần những sản phẩm chị nhận thêu là đồ truyền thống của Na Uy nên mỗi hoa văn, màu sắc, chỉ thêu đều có mẫu hướng dẫn thực hiện theo yêu cầu. Các sản phẩm thêu tay chị nhận làm có giá từ 300.000 đồng đến 2,5 triệu đồng/bộ tùy theo mẫu. Để hoàn thành một sản phẩm, chị mất từ 2 ngày đến 2 tuần. Nhờ nghề thêu, hàng tháng, chị kiếm được từ 4 đến 6 triệu đồng. “Công việc này đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn và yêu nghề nên phù hợp với phụ nữ. Chị em có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để thêu kiếm thêm thu nhập”, chị Hội chia sẻ.
Chị Hồ Thị Hội đã gắn bó với nghề thêu tay 14 năm qua.
Người làm nghề chỉ cần chuẩn bị một khung thêu, giá đỡ, còn lại các nguyên liệu khác như: Vải có in hoa văn, kim thêu, chỉ thêu… đều được các đầu mối cung cấp. Dù mẫu mã được vẽ sẵn, song để thêu đẹp là cả quá trình tỉ mẩn từ cách cầm chỉ, xỏ kim đến cách kéo căng sợi chỉ sao cho đều, cho đẹp. Ngoài thêu khớp, thêu tỉa, người làm còn thêu đường móc xích, hoa văn, công chúa, ô vuông… tùy theo từng sản phẩm. Để làm nghề, chị Phạm Thị Hồng Chung (sinh năm 1980, trú thôn Hải Triều, xã Vạn Long) đã theo học nghề trong 2 tháng. Ban đầu, chị tập thêu trên một miếng vải trắng với các loại hoa văn tự vẽ các đường cơ bản như: Thân cây, lá, cành, hoa, chim… Sau khi học xong, chị nhận các sản phẩm về làm rồi rút ra kinh nghiệm cho mình, dần dần nâng cao tay nghề. Mỗi tháng, chị nhận làm từ 3 đến 4 bộ sản phẩm, mang lại thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng. Trong 15 năm qua, không chỉ làm nghề, chị còn truyền nghề, hướng dẫn miễn phí cho các chị em khác ở địa phương cùng làm, kiếm thêm thu nhập.
Chị Phạm Thị Hồng Chung giới thiệu một số mẫu hoa văn thường thêu.
Hiện nay, các đầu mối cung cấp sản phẩm thêu chủ yếu ở các xã: Vạn Phước, Vạn Khánh (Vạn Ninh)… Với gần 40 năm làm và dạy nghề, bà Trương Thị Phụng (sinh năm 1957, trú xã Vạn Phước) có cả trăm học viên. Bà cho biết, lúc trước, khi kiều bào về thăm quê thường mang theo đồ truyền thống của Na Uy chia cho các chị em mỗi người một ít để thêu kiếm thêm tiền. Sau này, dịch vụ chuyển hàng bằng đường hàng không phát triển, hàng hóa được gửi về TP. Hồ Chí Minh, sau đó đầu mối sẽ gửi về Vạn Ninh. Nhờ đó, số lượng hàng hóa cũng tăng lên, chị em có việc làm quanh năm. Hiện nay, nhóm thợ của bà có khoảng 10 người. Sau khi nhận hàng, bà chia cho thợ làm, sau đó đóng gói, gửi hàng vào TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, sau khi học nghề, một số học viên của bà tách ra làm riêng, trở thành đầu mối nhận hàng, dạy cho những người có nhu cầu học nghề.
Bà Thái Thị Hồng Vân - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vạn Long cho biết, nghề thêu tay đã được phụ nữ ở địa phương làm từ nhiều năm nay, không chỉ tận dụng được thời gian rảnh rỗi, nông nhàn, mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng. Để hỗ trợ phụ nữ chưa có việc làm, năm 2022, hội đã tổ chức lớp truyền nghề thêu cho 30 chị em. Sau khi học, có 18 người tiếp tục theo nghề. Hiện nay, toàn xã có hơn 70 chị em làm nghề thêu và số lượng ngày càng tăng, tạo việc làm cho phụ nữ ở địa phương.
CHÂU TƯỜNG
Nguồn Khánh Hòa : http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202410/thu-nhap-on-dinh-nho-nghe-theu-tay-50d28d9/