Ông Nguyễn Hùng Lâm kiểm tra lứa gà đã đạt trọng lượng theo quy định của công ty liên kết - Ảnh: L.A
Ông Lâm cho biết, nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Cam Chính nên ông đã sớm nhận ra các điều kiện phù hợp để phát triển chăn nuôi tại địa phương. Sau khi nghỉ hưu theo chế độ, năm 2024, ông quyết định đầu tư gần 2,8 tỉ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi gà liên kết theo hình thức gia công với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (gọi tắt là Công ty Japfa Việt Nam).
Theo đó, trên diện tích 0,7 ha của gia đình, ông đã xây dựng chuồng trại khép kín rộng 0,3 ha với hệ thống giàn làm mát, thông gió tự động để kiểm soát nhiệt độ trong chuồng; máng ăn uống tự động điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của gà. Ngoài ra ông còn trang bị máy phát điện dự phòng, xây dựng hệ thống xử lý chất thải và các công trình phụ trợ phục vụ cho việc chăn nuôi.
Nhờ đầu tư bài bản về chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, mô hình của ông đảm bảo thả nuôi với quy mô 16.000 con/lứa.
Theo ông Lâm, khi xác định chăn nuôi theo hướng liên kết đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn đầu tư ban đầu khá lớn, có quỹ đất rộng để xây dựng chuồng trại theo đúng yêu cầu kỹ thuật; tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, vệ sinh phòng dịch và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Nhưng bù lại ưu điểm của hình thức nuôi này là thu nhập cao, ít rủi ro nhờ toàn bộ các khâu con giống, thức ăn, thuốc thú y, vắc xin phòng bệnh, kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho gà đều do doanh nghiệp đảm nhận.
Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm đều được công ty bao tiêu nên không phải lo đầu ra. Quá trình nuôi nếu phát hiện gà có những biểu hiện bất thường, công ty sẽ cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ nên người chăn nuôi có thể yên tâm.
Cũng theo ông Lâm, nuôi gà liên kết theo hình thức gia công không mất nhiều công sức, thời gian nhờ quy trình chăn nuôi khép kín đảm bảo môi trường cho gà sinh trưởng tốt, phòng ngừa được dịch bệnh.
Cụ thể, thay vì phải cho gà ăn bằng tay hoặc sử dụng máng ăn thủ công, thức ăn cho gà được hệ thống tự động phân phối vào các máng ăn nhỏ thông qua các cảm biến, giúp gà luôn được cung cấp đủ thức ăn để phát triển và đạt năng suất cao.
Để chăn nuôi an toàn, phòng tránh dịch bệnh cho gà, ông Lâm còn đầu tư hệ thống làm mát, thông hơi tự động đảm bảo nhiệt độ trại nuôi luôn ở mức 270C kể cả trong mùa hè. Nền chuồng được rải lớp đệm lót sinh học bằng vỏ trấu kết hợp với vi sinh dày khoảng 10 cm để vừa đảm bảo độ ẩm, hút mùi hôi. Nhờ vậy dù nuôi với số lượng lớn nhưng trại gà của ông Lâm vẫn sạch sẽ, khô ráo, không có mùi hôi khó chịu. Sau mỗi lứa nuôi lớp đệm lót này lại được ông bán làm phân bón hữu cơ cho những người có nhu cầu tại địa phương.
Theo tính toán của ông Lâm, hiện tại mỗi năm ông thả nuôi 3 lứa, mỗi lứa 16.000 con gà thương phẩm, thời gian nuôi từ 85 - 100 ngày, trọng lượng thu hoạch từ 2,2 - 2,7 kg/con tùy theo yêu cầu của công ty.
Khi gà đủ trọng lượng theo quy định, Công ty Japfa Việt Nam sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm và thanh toán tiền công chăm sóc lứa gà với giá 6.500 đồng/kg. Đặc biệt, ngoài sản lượng theo hợp đồng, số sản lượng gà thương phẩm tăng thêm cũng được công ty thu mua hết nên trừ chi phí ông đạt thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/lứa.
“Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật nên gà có chất lượng thịt thơm, ngon. Trước khi xuất bán, cán bộ kỹ thuật của công ty đều đến lấy mẫu để xét nghiệm các tiêu chuẩn về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu đạt tiêu chuẩn mới được công ty bao tiêu toàn bộ nên đòi hỏi người chăn nuôi phải chấp hành nghiêm túc quy trình mà doanh nghiệp đưa ra”, ông Lâm cho biết.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Nguyễn Văn Việt khẳng định, trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp theo hình thức nuôi gia công là mô hình tối ưu cho người chăn nuôi.
Mô hình này vừa giải quyết được khâu vốn, kỹ thuật, lại vừa hạn chế được rủi ro do dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Việc liên kết này còn giúp người chăn nuôi tiếp cận được với quy trình chăn nuôi tiên tiến, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
Với những ưu điểm trên, Hội Nông dân huyện Cam Lộ đang khuyến khích các cấp hội, hội viên nông dân trên địa bàn huyện có đủ điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp theo hướng nuôi gia công.
Đồng thời, khuyến cáo ngoài lợi ích kinh tế người chăn nuôi cần tích lũy kinh nghiệm và các tiến bộ kỹ thuật mới từ doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi bền vững.
Lê An