Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên
Thu ngân sách 4 tháng đạt gần nửa kế hoạch năm
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên; tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng mục tiêu phấn đấu năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10-11% so năm 2024, cao hơn so với mức 9% Chính phủ giao cho tỉnh.
Theo số liệu báo cáo của Chi cục Thuế khu vực 8, trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt 11.645 tỷ đồng, đạt 43,1% dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2024, tương đương 36,3% mục tiêu trong kịch bản phấn đấu tăng trưởng 2 con số của Vĩnh Phúc đã được đặt ra trong năm nay.
Đáng chú ý, thu nội địa đóng vai trò chủ lực, 4 tháng số thu đạt 10.500 tỷ đồng, bằng 47,7% dự toán và 40% so với kịch bản tăng trưởng của tỉnh, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Xét về cơ cấu thu có thể thấy được sự ổn định từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, tính cả số tiền thuế được gia hạn nộp thì thu từ sản xuất kinh doanh lũy kế 4 tháng ước đạt 9.491 tỷ đồng, bằng 55,5% dự toán và bằng 126,5% so với cùng kỳ năm 2024; đóng góp 82% tổng thu nội địa của tỉnh, còn lại là thu từ đất và các khoản thu khác như thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ...
Thu ngân sách 4 tháng đầu năm của Vĩnh Phúc đạt hơn 43% dự toán cả năm 2025
Thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong 4 tháng đầu năm ước đạt 7.220 tỷ đồng, bằng 47,2% dự toán, vượt 11% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó số thuế phát sinh 4 tháng nộp từ 2 công ty Honda và Toyota ước đạt 6.720 tỷ đồng, bằng 131,3% so với cùng kỳ năm 2024, tương ứng tăng 1.603 tỷ đồng.
Thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2024, tương ứng tăng 261 tỷ đồng. Trong đó, mức thu từ một số doanh nghiệp FDI của tỉnh tăng đáng kể như Công ty cổ phần công nghiệp Á Mỹ nộp thuế TNDN tăng 128 tỷ đồng; Công ty cổ phần Kehin tăng 19 tỷ đồng…
Kết quả này đã phản ánh những nỗ lực vượt bậc của Vĩnh Phúc trong việc chủ động, linh hoạt điều hành các chính sách kinh tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đồng bộ nhóm giải pháp thực hiện mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên; tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng mục tiêu phấn đấu năm 2025, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 10-11% so năm 2024, cao hơn so với mức 9% Chính phủ giao cho tỉnh, xây dựng kế hoạch thu ngân sách mới, phấn đấu đạt 32.100 tỷ đồng, cao hơn 5.000 tỷ đồng so với mục tiêu HĐND tỉnh đã giao; thu hút vốn 800 triệu USD vốn đầu tư FDI và 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI), cao hơn lần lượt 200 triệu USD và 2.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu đã giao; tăng trưởng tín dụng 15% cao hơn 3% so với chỉ tiêu.
Để thực hiện được các mục tiêu này, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường cải cách thể chế, đẩy mạnh phân cấp, giữ vững kỷ luật tài chính-ngân sách, không để tình hình quốc tế ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng.
Tỉnh ủy và UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các chương trình phát triển kinh tế-xã hội gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp rà soát nguồn lực, dư địa tăng trưởng, thu ngân sách, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ 32 dự án FDI, DDI tạo ra động lực tăng trưởng mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện 30 dự án đầu tư công và 16 dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng công nghiệp, 47 dự án đô thị, nhà ở xã hội; khởi công 2 nhà ở xã hội trong Quý I và 4 nhà ở xã hội trong quý II, quý III với quy mô hơn 2000 căn trong năm 2025…
Hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sắp xếp tổ chức lại đơn vị hành chính đảm bảo phục vụ doanh nghiệp, người dân và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, nhất là các quy định về đất đai, giải phóng mặt bằng; các quy định về phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm… đặc biệt chú trọng chuyển đổi số trong cải cách hành chính
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025; quyết liệt, tập trung xử lý các dự án chậm tiến độ, tồn đọng. Tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên đầu tư các dự án giao thông có tính kết nối liên vùng, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng điện đảm bảo cấp điện ổn định, nguồn nước sạch, hệ thống xử lý chất thải hiệu quả đáp ứng tiêu chuẩn thu hút dự án bán dẫn…
Hiếu Phương