Thư pháp chữ quốc ngữ - Gìn giữ truyền thống, lan tỏa văn hóa

Thư pháp chữ quốc ngữ - Gìn giữ truyền thống, lan tỏa văn hóa
16 giờ trướcBài gốc
Thư pháp chữ quốc ngữ (Thư pháp chữ Việt) xuất hiện từ thập niên 1930, giai đoạn chữ quốc ngữ (chữ Latinh) bắt đầu phổ biến hơn chữ Hán và chữ Nôm ở Việt Nam. Nhà thơ Đông Hồ (1906 - 1969) được tôn là “ông tổ” của loại hình thư pháp này.
Chiến tranh, rồi hoàn cảnh đất nước khó khăn khiến dòng chảy của Thư pháp chữ quốc ngữ ngừng trệ và chỉ khởi sắc trở lại trong khoảng chục năm gần đây. Nhiều câu lạc bộ, lớp dạy viết thư pháp được mở ở các tỉnh, thành phố; các cuộc triển lãm được đông đảo công chúng quan tâm.
Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Thủy (áo kẻ) và các thầy cô giáo Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành tham gia viết thư pháp tại Bảo tàng tỉnh.
Việc dùng sản phẩm của văn hóa phương Đông là bút lông để viết chữ Latinh (quốc ngữ) - sản phẩm của văn hóa phương Tây cho thấy thư pháp có sự giao thoa và tích hợp văn hóa Đông - Tây. Người dân Việt được gợi lại hình ảnh ông đồ mà lâu nay vắng bóng, đọc và hiểu được thư pháp của người Việt. Đó là sự khẳng định sản phẩm văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc nhưng cũng phù hợp với thời đại.
Khác với nghệ thuật Thư pháp chữ Hán, Thư pháp chữ quốc ngữ không nằm trong khuôn khổ mà tự do, phá cách nhiều hơn, được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống như: thiết kế thời trang, kiến trúc, quảng cáo…; được thể hiện trên đa dạng chất liệu: giấy, gỗ, đá, trái cây, tranh tre, khảm trai, gốm sứ... Vào dịp đầu năm thì chữ thư pháp thường được thể hiện trên giấy hồng điều có in sẵn họa tiết về mùa Xuân, nội dung thường là ca dao, tục ngữ, những lời dạy của danh nhân, những bài thơ giàu chất trữ tình. Nhiều gia đình lựa chọn treo tranh thư pháp như một hình thức trang trí, tạo sự hài hòa cho ngôi nhà, đồng thời thể hiện sự chiêm nghiệm về cuộc đời, những triết lý nhân sinh, sự giác ngộ của con người hoặc mang tính giáo dục, cầu mong sự may mắn trong gia đạo, trong việc làm ăn.
Thư pháp chữ quốc ngữ không chỉ là một thú vui tao nhã, giúp con người dưỡng tâm, rèn tính, tìm thấy sự cân bằng trong nhịp sống hiện đại, mà còn trở thành một phân môn nghệ thuật tôn vinh tiếng Việt. Giới trẻ không chỉ học cách viết thư pháp theo lối truyền thống mà còn mạnh dạn thử nghiệm những phong cách mới, kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, âm nhạc, tạo nên những tác phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó cũng là cách giới trẻ kết nối với cội nguồn, tìm về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thêm yêu và trân trọng những giá trị văn hóa mà cha ông đã dày công vun đắp.
Ngày nay, các bức thư pháp bằng chữ quốc ngữ đã trở nên phổ biến trên cả nước nói chung và tại tỉnh Hà Nam nói riêng. Bằng tài năng và sự đam mê, những người yêu nghệ thuật thư pháp trong tỉnh luôn tìm tòi, sáng tạo các tác phẩm, qua đó góp phần giáo dục con người hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ. Dịp đầu xuân, Bảo tàng tỉnh thường tổ chức tái hiện không gian văn hóa chợ quê ngày Tết, trong đó có gian ông đồ với tục cho chữ, viết thư pháp ngày xuân, có góc chợ quê với những món ăn bình dân nhưng là “đặc sản” gắn với tuổi thơ biết bao thế hệ, có một số trò chơi dân gian truyền thống, nhằm nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
(Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh)
“Ngày nay, các bức thư pháp bằng chữ quốc ngữ đã trở nên phổ biến trên cả nước nói chung và tại tỉnh Hà Nam nói riêng. Bằng tài năng và sự đam mê, những người yêu nghệ thuật thư pháp trong tỉnh luôn tìm tòi, sáng tạo các tác phẩm, qua đó góp phần giáo dục con người hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ. Dịp đầu xuân, Bảo tàng tỉnh thường tổ chức tái hiện không gian văn hóa chợ quê ngày Tết, trong đó có gian ông đồ với tục cho chữ, viết thư pháp ngày xuân, có góc chợ quê với những món ăn bình dân nhưng là “đặc sản” gắn với tuổi thơ biết bao thế hệ, có một số trò chơi dân gian truyền thống, nhằm nâng cao nhận thức, lòng tự hào và trách nhiệm của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống” - ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.
Mấy năm gần đây, một số lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh xuất hiện các gian trưng bày, triển lãm thư pháp với hình ảnh “ông đồ” mặc áo dài, khăn đóng ngồi viết thư pháp, cho chữ lấy may. Ngoài chữ Hán, các “ông đồ” còn viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ. Nội dung của thư pháp thường là những lời chúc an lành, những câu nói tình nghĩa về tình cảm: thầy - trò, cha mẹ - con cái, vợ - chồng, bạn bè, tri kỷ… Đó là các chữ “Phúc”, “Tài”, “Lộc” mang ước vọng một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc; “Chí”, “Thọ”, “Thành” thể hiện khao khát về sự hanh thông trên bước đường công danh, sự nghiệp; “Nhẫn”, “Lễ”, “Hiếu”, “Thuận” thể hiện mong muốn vạn sự tốt lành, may mắn; “Nhân”, “Trí”, “Minh” thể hiện khát vọng về trí tuệ, học vấn… Người già thường xin chữ “An”, chữ “Thọ”; người gặp nhiều gian nan, trắc trở xin chữ “Nhẫn”; học trò xin chữ “Đạt”; người làm ăn, buôn bán xin chữ “Tín”, chữ “Phát”… Tục xin chữ đầu xuân đang dần trở thành một thú chơi tao nhã trong bốn thú “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”.
Không chỉ là gương mặt tiêu biểu về viết thư pháp chữ quốc ngữ trên địa bàn tỉnh, cô giáo Nguyễn Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành, phân viện Hà Nam còn được biết đến là người tích cực lan tỏa nét đẹp của nghệ thuật thư pháp cũng như “truyền cảm hứng” cho đồng nghiệp và các em học sinh. 20 năm trước, khi vừa bước chân vào giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thanh Thủy đã dành tình yêu sâu đậm cho nghệ thuật thư pháp từ những bài giảng đầy cuốn hút của PGS,TS Hà Văn Minh. Sau này đi làm, dù công việc bận rộn chị vẫn tranh thủ “thổi hồn” vào thư pháp với mong muốn góp phần vào sự phong phú sắc màu văn hóa của mảnh đất quê hương. “Tại Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, các em học sinh được chú trọng phát triển toàn diện về kiến thức, phẩm chất, năng lực, trong đó việc bồi đắp tình yêu đối với truyền thống văn hóa dân tộc luôn được đề cao. Các em được làm quen với nghệ thuật thư pháp, được hướng dẫn tập viết và thi viết câu đối Tết trong chương trình Chào xuân hàng năm. Trong các giờ học Ngữ văn, các em cũng được làm quen với nghệ thuật này. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên kết nối cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm liên quan đến nghệ thuật thư pháp tại Bảo tàng tỉnh. Thời gian tới, nhà trường định hướng thành lập CLB thư pháp cho các bạn học sinh có năng khiếu và hứng thú đăng kí tham gia”- cô giáo Nguyễn Thanh Thủy cho biết.
Có thể nói, phong trào viết Thư pháp chữ quốc ngữ đã và đang được đông đảo nhân dân quan tâm, đặc biệt sự hưởng ứng của giới trẻ là minh chứng về sự linh hoạt, mềm dẻo trong tiếp biến văn hóa, tôn vinh chữ quốc ngữ - chữ viết chính thống hiện đại của người Việt.
Hoàng Oanh (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh)
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/van-hoa/thu-phap-chu-quoc-ngu-gin-giu-truyen-thong-lan-toa-van-hoa-143353.html