Bà Lưu Thị Lý ở thôn 5, xã Cán Khê kỳ vọng thu hoạch riềng sẽ giúp gia đình có một cái tết no ấm
Những ngày giáp tết, không khí trên những cánh đồng trồng riềng ở xã Cán Khê trở nên tất bật, nhộn nhịp hơn bởi đến mùa thu hoạch của bà con. Bà Lưu Thị Lý ở thôn 5, cho biết: Cây riềng được trồng trên đất Cán Khê cách đây 20 năm. Ban đầu, người dân trồng xen canh với các loại cây trồng khác để bán tại các chợ địa phương nhưng nhu cầu thị trường tăng, bà con dần mở rộng diện tích trồng riềng. Năm 2018, gia đình bà đã chuyển đổi 10 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây riềng. Cây riềng là loại cây chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Cây riềng sau khi xuống giống thì khoảng 1 năm sau là cho thu hoạch. Nếu đất tốt, chăm sóc đúng kỹ thuật thì mỗi năm cây riềng cho thu hoạch từ 3 đến 4 vụ. Thời gian lưu gốc của loại cây này cũng lên đến 10 năm.
Diện tích trồng riềng ở xã Cán Khê không ngừng được mở rộng.
So với các loại cây trồng truyền thống như lúa, sắn, ngô thì cây riềng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Với diện tích 10 sào riềng, mỗi năm gia đình bà Lý thu về khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí. “Nhờ trồng riềng, gia đình tôi không chỉ sửa sang lại được ngôi nhà khang trang hơn mà còn có điều kiện lo cho con cái học hành” - bà Lý chia sẻ.
Tương tự, gia đình bà Lê Thị Tuyết ở thôn 5 có 7 sào đất trồng riềng, mỗi năm gia đình bà Tuyết thu về khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở việc trồng riềng, bà Tuyết còn mở rộng mô hình kinh doanh, trở thành đầu mối thu mua riềng cho bà con trong thôn, xã.
Bà Tuyết cho biết, thời điểm cuối năm, trung bình mỗi ngày, cơ sở của bà thu mua từ 3 đến 5 tấn riềng. Riềng sau khi được sửa sạch, đóng túi sẽ được vận chuyển đi các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định này, cơ sở thu mua của bà Tuyết đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Riềng sau khi rửa sạch sẽ đóng gói vận chuyển đi các tỉnh, thành.
Với lợi thế về thổ nhưỡng của địa phương chủ yếu là đồi núi thấp, phù hợp để phát triển cây riềng, bà Tuyết mong muốn chính quyền địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá thương hiệu riềng Cán Khê, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến... để phát triển thành chuỗi liên kết.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Cán Khê cho biết: Xã Cán Khê hiện sở hữu 110ha diện tích trồng riềng, chủ yếu tập trung tại thôn 5 và 6. Năm 2024, toàn xã ước thu từ cây riềng đạt gần 40 tỷ đồng. Cây riềng không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho bà con mà còn mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế địa phương.
Để nâng tầm giá trị sản phẩm, xã Cán Khê cũng đang tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chế biến, sản xuất bột riềng hoặc các sản phẩm từ riềng, đây là hướng đi bền vững, giúp gia tăng giá trị và ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Đình Giang