Nông dân Lý Văn Lâm thu hoạch dưa Tết (ảnh CTV).
Mùa Tết năm nay, nông dân xã Lý Văn Lâm trồng 70 ha dưa hấu, tập trung nhiều nhất tại các ấp: Bà Điều, ấp Chánh, Thạnh Điền, Bàu Sơn, với gần 130 hộ trồng.
Các giống dưa được trồng phổ biến như: An Tiêm, Thành Long (dưa không hạt), Mặt Trời Đỏ; dưa ruột vàng Xuân Lan; dưa vỏ vàng ruột đỏ…
Theo bà con trồng dưa, năm nay do ảnh hưởng thời tiết, mưa ngay thời điểm để trái nên năng suất không cao so với vụ dưa Tết năm trước, chỉ đạt 70-90%.
Tuy nhiên, giá dưa hấu thương phẩm có phần tăng hơn năm trước từ 5.000-7.000 đồng/trái. Hiện tại giống dưa hấu mặt trời đỏ có giá khoảng 9.000 đồng/kg; dưa hạt lép khoảng 15.000 đồng ký.
Riêng dưa hấu trưng Tết được thương lái thu mua tại vườn với giá dao động từ 50.000 – 55.000 đồng/trái.
Trung bình mỗi hecta dưa hấu mang lại thu nhập cho người nông dân khoảng 120 triệu đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, mỗi hộ trồng thu lợi nhuận bình quân từ 10-15 triệu đồng/công dưa, góp phần đón Tết cổ truyền sung túc hơn.
Không khí tất bật trên những cánh đồng dưa (ảnh Loan Phương)
Nông dân vận chuyển dưa đi tiêu thụ (ảnh CTV).
Dưa hấu Lý Văn Lâm từ lâu đã khẳng định được thương hiệu bởi chất lượng sản phẩm, cũng chính vì vậy mà một số người kinh doanh đã lợi dụng điều này để quảng bá giả mạo dưa hấu Lý Văn Lâm, ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu dưa hấu của địa phương.
Để bảo vệ thương hiệu, năm nay, Đảng ủy, UBND xã Lý Văn Lâm chỉ đạo Hội Nông dân xã phối hợp với Viettel Cà Mau thí điểm vận động người dân đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc điện tử bằng mã QR.
Năm nay nhiều trái dưa hấu Lý Văn Lâm được gắn mã QR.
Năm nay, gia đình ông Châu Thành Lập (ấp Chánh, xã Lý Văn Lâm) trồng khoảng 4.000 dây dưa. Được sự vận động của chính quyền địa phương, ông Lập tham gia thực hiện gắn mã QR cho trái dưa hấu.
“Lâu nay người nông dân cũng luôn trăn trở, làm sao để khẳng định được thương hiệu dưa chất lượng của mình, không bị lẫn vào các loại dưa khác trên thị trường.
Việc gắn nhãn mác, truy xuất nguồn gốc giúp người nông dân đảm bảo uy tín, chất lượng cho sản phẩm của mình, tránh được trường hợp cạnh tranh không lành mạnh; đảm bảo quyền lợi của người trồng dưa lẫn người tiêu dùng khi mua được sản phẩm chất lượng”, ông Lập phấn khởi chia sẻ.
Bà Cao Hồng Cẩm, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm cho biết: Vụ dưa Tết năm nay xã chọn 35 hộ với khoảng 25 ha trồng tham gia thực hiện mô hình ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc vMark vào quy trình canh tác dưa hấu.
“Việc ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc vMart nhằm góp phần bảo vệ thương hiệu dưa hấu Lý Văn Lâm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng vì cung cấp đầy đủ nhật ký sản xuất cũng như việc sử dụng phân bón theo nguyên tắc 4 đúng.
Thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền để người trồng dưa trên địa bàn đều tham gia mô hình này, đồng thời hỗ trợ nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo nguồn đầu ra ổn định”, vị lãnh đạo xã nhấn mạnh.
Dưa hấu Lý Văn Lâm được bán tại nhiều địa điểm trên địa bàn TP Cà Mau.
Dưa hấu được khắc chữ, hoa văn trưng tết.
Hiện tại, dưa hấu Lý Văn Lâm đang được bày bán phổ biến tại các điểm chợ truyền thống và tại Chợ hoa Kiểng, dưa hấu TP. Cà Mau. Ngoài dưa bình thường, các tiểu thương cũng bán dưa khắc chữ, hoa văn theo yêu cầu, phục vụ nhu cầu trưng Tết của người dân.
Theo đó, mỗi trái dưa khắc chữ, hoa văn giá cũng sẽ tăng cao hơn nhiều so với giá dưa thường, tùy vào hoa văn khắc. Dù vậy vẫn thu hút khá đông người mua.
Quách Mến