'Thủ phủ' mai vàng tại TP.HCM bắt đầu lặt lá, nhà vườn hy vọng trời nắng ấm để vụ Tết bội thu

'Thủ phủ' mai vàng tại TP.HCM bắt đầu lặt lá, nhà vườn hy vọng trời nắng ấm để vụ Tết bội thu
3 giờ trướcBài gốc
Làng mai vàng quận 12, TP.HCM có hơn 400 hộ gắn bó với nghề trồng mai, trong đó tập trung chủ yếu tại các phường Thạnh Xuân, Thạnh Lộc, An Phú Đông.
Đặc sản làm nên tên tuổi của “thủ phủ” mai vàng quận 12 là cây mai ghép. Mai tại đây không chỉ cho bông đều và đẹp mà còn mang dáng vẻ sinh động, độc đáo khi được các nghệ nhân kỳ công uốn nắn, chăm sóc.
Những ngày này, vườn mai Phát Minh Thắng rộng hơn 3.000m² tọa lạc tại đường Thạnh Lộc 15, phường Thạnh Lộc, quận 12 đang tất bật xuống lá để chuẩn bị vụ Tết.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc hỗ trợ rụng lá, anh Lê Chí Hùng (chủ vườn) đã thuê 4-5 nhân công để phụ lặt lá.
Cung ứng cho thị trường xuân Ất Tỵ 2025, vườn anh Hùng chuẩn bị khoảng 700 cây mai với đủ các kích cỡ, đa số là mai ghép siêu bông.
Cây mai được anh Hùng tâm đắc tại vườn với tuổi thọ khoảng 100 năm, được cho thuê chơi Tết với mức 100 triệu đồng.
Anh Hùng cho biết: “Hiện tại cây mai đang phát triển tốt, đạt chất lượng. Sau khi lặt lá, điều kiện thời tiết đóng vai trò quyết định lớn. Nếu trời ấm áp, cây sẽ bung hoa, nở đẹp, ngược lại, tiết trời lạnh khiến hoa chỉ trổ lác đác”.
Để bảo vệ mai trước tác động khắc nghiệt của thời tiết, hộ anh Hùng cũng như nhiều nhà vườn tại làng mai vàng quận 12 đã thiết kế giàn bạt che phủ bên trên. Giải pháp này giúp các nhà vườn canh giảm bớt cường độ của ánh sáng, tác động của các luồng gió hoặc ngăn chặn nước mưa xối thẳng vào cây gây ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng.
Về giá mai, vườn anh Hùng vẫn giữ mức bình ổn như các năm trước nhưng năm nay, anh phấn khởi khi lượng khách tăng cao. Hiện 70% số mai cỡ lớn tại vườn đã có khách đặt chơi Tết.
Những ngày giáp Tết, mai tại vườn sẽ được chuyển đến công viên Gia Định (TP.HCM) và chuyển đi TP Biên Hòa (Đồng Nai) để chào mời khách mua, thuê.
Suốt 10 năm qua, cứ vào độ giữa tháng Chạp, bà Trần Thị Tài (60 tuổi) sẽ di chuyển từ Bình Dương đến làng mai vàng quận 12 để lặt lá mai thời vụ kiếm thêm thu nhập. Bà Tài chia sẻ: “Hằng ngày tôi ở nhà làm nội trợ hoặc dọn dẹp nhà cửa thuê. Mùa cuối năm, tôi sẽ luân chuyển xung quanh các nhà vườn để xin vào lặt lá mai kiếm tiền lo Tết”.
Công việc lặt lá mai tưởng chừng đơn giản những đòi hỏi người thợ lặt phải tập trung, khéo léo và quan trọng phải đúng kỹ thuật để tránh ảnh hưởng đến nụ hoa.
Bà Tài cho biết thêm, năm trước tiền công lặt lá mai khoảng 350.000 đồng/ngày, còn năm nay phải đợi lặt xong các cây cho nhà vườn mới nhận thù lao.
Tương tự, từ tháng 11, ông Phương (49 tuổi, quê Tiền Giang) sẽ đến nhà vườn tại quận 12, TP.HCM để hỗ trợ làm vườn, chăm cây, lặt lá mai kiếm thêm thu nhập dịp cuối năm.
“Những ngày này trời nắng nóng, người lặt lá mai như tôi sẽ vất vả nhưng ngược lại đây là tin vui cho người trồng mai. Tiết trời ấm áp sẽ giúp mai phát triển, bung nở hoa đúng vụ Tết”, ông Phương chia sẻ.
Vườn mai Thanh Hòa có thâm niên hơn 20 năm tại đường Thạnh Lộc 18, phường Thạnh Lộc, quận 12 cũng đang bước vào giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trong khuôn viên vườn với diện tích khoảng 1.500m², anh Phạm Thanh Hòa (chủ vườn) đã kỳ công chăm sóc hơn 400 cây mai, chủ yếu là mai bonsai với đủ dáng thế sinh động, độc đáo.
Những cây mai này không chỉ đẹp về hình dáng mà nụ hoa cũng đạt chất lượng lý tưởng với tỉ lệ trên 90%. “Trong năm nắng mưa thất thường nhưng nhà vườn có hệ thống giàn bạt che chắn phía trên, được đầu tư thiết kế hơn 300 triệu đồng từ hơn 5 năm trước đã giúp vườn chủ động giảm ảnh hưởng thời tiết đến sự phát triển của cây, từ đó giúp cây vẫn sinh trưởng tốt”, anh Hòa cho biết.
Việc lặt lá mai - bước quan trọng quyết định sự bung nở của hoa đúng dịp Tết cũng đang được anh Hòa và các nhà vườn khác lên kế hoạch tính toán kỹ lưỡng.
“Thời điểm lặt lá mai sẽ phụ thuộc vào quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc của từng cây, từng nhà vườn, vì thế mà mỗi vườn tại làng mai vàng quận 12 sẽ chủ động cân nhắc chọn ngày phù hợp. Riêng mai tại vườn Thanh Hòa từ mùng 10 tháng Chạp đã bắt đầu dùng thuốc để can thiệp việc rụng lá. Sau đó, nhà vườn sẽ tiến hành thuê nhân công để hỗ trợ lặt sạch, dự kiến tầm 14 tháng Chạp sẽ hoàn tất công đoạn này”, anh Hòa nói.
Anh Hòa cũng tiết lộ thêm, hiện có khoảng 70 cây trong vườn đã có khách đặt thuê. Tầm khoảng 23 tháng Chạp, anh sẽ chuyển một số mai ra công viên Gia Định để giới thiệu, chào mời khách thuê hoặc mua chơi Tết.
Gắn bó với nghề hơn hai thập kỷ, vườn mai Thanh Hòa không chỉ mang lại thu nhập mà còn là niềm tự hào của chủ vườn. Với anh mỗi gốc mai là một “đứa con tinh thần” được anh chăm sóc, uốn nắn kỹ càng và mang lại niềm vui khi đạt được nhiều dáng thế độc đáo “không đụng hàng”.
Một tác phẩm mai hình con cóc rất sinh động tại vườn Thanh Hòa.
Một gốc mai trông giống hình khuôn mặt, được chủ vườn trang trí thêm phụ kiện tạo sự ngộ nghĩnh, vui nhộn.
Tác phẩm mang tên Liễu Chi Mai nổi bật tại vườn được anh Hòa chăm sóc cẩn thận suốt 5 năm qua. Dự tính đến ngày 16 tháng Chạp, anh sẽ tiến hành lặt lá. Đến dịp Tết, cây cho nụ căng tròn, trổ bông to rực rỡ với 16 đến 20 cánh.
Nghề trồng mai lắm nhọc nhằn, vất vả, phải cất công chăm sóc cả năm nhưng chỉ thu hoạch một đợt vào vụ Tết. Thế nên những người gắn bó với nghề tại làng mai vàng quận 12 luôn hy vọng thời tiết cuối năm thật thuận lợi để có một mùa xuân rực rỡ sắc vàng, mang lại niềm vui, sự sung túc cho gia đình.
NHẬT DIỄM
Nguồn PLO : https://plo.vn/thu-phu-mai-vang-tai-tphcm-bat-dau-lat-la-nha-vuon-hy-vong-troi-nang-am-de-vu-tet-boi-thu-post829726.html