Từ lâu, xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) được mệnh danh là 'thủ phủ' của cây dó trầm. Đây là một trong những loại cây kinh tế chính, góp phần rất lớn trong việc tăng thu nhập cho người dân địa phương. Các sản phẩm từ trầm có giá trị từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Theo người dân địa phương, sau khi thu mua cây dó trầm, những người thợ sẽ đục lấy phần trầm có chứa tinh dầu đạt chất lượng.
Anh Nguyễn Chí Thành (SN 1987, chủ cơ sở sản xuất hương trầm Đinh Gia, thôn 4, xã Phúc Trạch) cho biết, dịp gần Tết, nhu cầu sử dụng các loại hương sạch làm từ nguyên liệu tự nhiên tăng cao. Hiện nay, các sản phẩm chính của cơ sở gồm đồ thủ công mỹ nghệ, hương trầm và nụ trầm hương. Để đáp ứng đủ hàng cho dịp Tết, các công đoạn sản xuất đã được triển khai từ nhiều tháng trước, đảm bảo cuối năm kịp thời đóng gói và chuyển hàng đi tiêu thụ.
Cơ sở của anh Thành hiện có 4 công nhân làm việc chính, nhưng vào mùa giáp Tết, anh phải tuyển thêm người để đáp ứng nhu cầu. Dù bận rộn làm việc từ sáng đến tối, cơ sở vẫn không kịp hoàn thành các đơn hàng cho khách.
"Cơ sở chúng tôi có các sản phẩm như trầm đốt, nhang trầm, nụ trầm, trầm không tăm được khách hàng rất ưa chuộng, bởi vậy lượng tiêu thụ cuối năm rất lớn. Các sản phẩm từ dó trầm cũng hết sức đa dạng với các mức giá từ 300 nghìn đồng đến 10 triệu đồng", anh Thành cho hay.
Để tạo ra những búp hương có mùi thơm đặc trưng cần rất nhiều nguyên liệu như cây rễ hương, cỏ ngọt, quế, hồi… Nguyên liệu sau khi nhập về sẽ được phơi khô và cho vào máy xay thành bột hương.
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, các cơ sở sản xuất hương tiến hành phơi nắng, hoặc sấy khô để hoàn thiện sản phẩm.
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm hương trầm, người dân Hương Khê đã mạnh dạn sáng tạo và ứng dụng nhiều công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm từ cây dó trầm. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao và nhận được sự ưa chuộng từ thị trường.
Hương trầm thường có 3 loại, gồm hương trầm tự nhiên, hương thẻ và hương nụ. Hương trầm tự nhiên được cuốn thủ công bằng giấy, có chiều dài khoảng 50cm, sau đó dùng 1 loại keo kết dính lại.
Hiện nay, tại Phúc Trạch, nhiều hộ gia đình trồng cây dó trầm quy mô lớn đã thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến các sản phẩm như trầm hương, trầm nụ, trầm miếng và đồ thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm chế biến từ cây dó trầm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Lãnh đạo UBND xã Phúc Trạch cho biết, cây dó trầm phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và đem lại giá trị cao cho người dân. Thời gian qua huyện Hương Khê đã tập trung, chỉ đạo, đưa một số sản phẩm tham gia chương trình OCOP và được người tiêu dùng biết đến.
Với chất lượng đảm bảo và mẫu mã đa dạng, các sản phẩm từ cây dó trầm Hương Khê ngày càng mở rộng thị trường, nâng cao giá trị và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân tại 'thủ phủ' dó trầm Hương Khê.
Huyện Hương Khê hiện có hơn 650 ha diện tích trồng cây dó trầm phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và làm hương trầm. Mỗi năm, doanh thu từ các hoạt động này đạt khoảng 100 tỷ đồng. Các sản phẩm trầm hương của người dân huyện Hương Khê không chỉ nổi tiếng trên cả nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Nguyễn Sơn