Thu tiền tỷ từ trồng sầu riêng theo hướng bền vững

Thu tiền tỷ từ trồng sầu riêng theo hướng bền vững
một ngày trướcBài gốc
Lãnh đạo tỉnh trao Giải thưởng “Nông dân Bình Dương xuất sắc” của Hội Nông dân tỉnh cho ông Đặng Văn Xuân
Năm 2022, sau khi sản phẩm sầu riêng của gia đình được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, ông Đặng Văn Xuân nhận thấy nông nghiệp hữu cơ mang lại sản phẩm an toàn và cải thiện độ phì nhiêu cho vườn trồng. Trên diện tích 4 ha trồng sầu riêng, ông đã mạnh dạn thay thế phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bằng sản phẩm hữu cơ và các phương pháp hữu cơ sinh học vào mô hình trồng cây sầu riêng của gia đình.
Ông Xuân chia sẻ, việc kiểm soát dịch hại không sử dụng hóa chất trong quá trình trồng, chăm sóc cây sầu riêng đòi hỏi nhiều công sức, kiến thức về đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây trồng, cũng như cách sử dụng các sản phẩm sinh học hiệu quả. Ông đã đi tham quan các mô hình thành công, cùng với đó tự nghiên cứu từ sách vở, trên các trang mạng xã hội, tham gia các chương trình đào tạo và hội thảo nông nghiệp do địa phương tổ chức. Cùng với kinh nghiệm đúc rút từ thực tế, vườn sầu riêng của gia đình ông đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Vườn cây sầu riêng của ông Đặng Văn Xuân vào mùa thu hoạch
Chia sẻ thêm kinh nghiệm trồng sầu riêng theo hướng bền vững, ông Xuân cho biết: “Thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ khi chăm sóc vườn cây như trước đây, hiện nay tôi dùng máy xén cỏ để bảo vệ hệ vi sinh vật tự nhiên có trong đất. Đây là công việc phải thực hiện thường xuyên, vì cỏ dại phát triển rất nhanh, luôn cạnh tranh lấy dinh dưỡng của cây sầu riêng. Tôi còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm nước, giúp cây sầu riêng nhận đủ lượng nước cần thiết, đồng thời giảm công sức lao động và hạn chế lãng phí tài nguyên”.
Nhằm đáp ứng và mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định đầu ra cho trái sầu riêng, cũng như nâng tầm thương hiệu sầu riêng Bình Dương, ông Xuân đã liên kết với các hộ nông dân trồng sầu riêng khác trên địa bàn để thống nhất tiêu chuẩn sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả và luôn chủ động làm việc với thương lái để có đầu ra ổn định. Đặc biệt, ông đã nỗ lực xin cấp mã số vùng trồng cho khu vực canh tác sầu riêng. Việc này mở ra cơ hội xuất khẩu sầu riêng và tăng giá trị sản phẩm cho nông dân.
Hiện nay, ông Xuân đã mở rộng mô hình này lên 5 ha, với 750 cây sầu riêng, trong đó có khoảng 400 cây đã cho thu hoạch với sản lượng bình quân hơn 40 tấn/năm. Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm ông thu về lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng. Về xuất khẩu, sản phẩm sầu riêng của ông chủ yếu xuất bán qua thị trường Trung Quốc.
“Việc ứng dụng phương pháp canh tác hữu cơ giúp ít ảnh hưởng đến môi trường đất, tăng tuổi thọ cho cây, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là giải pháp góp phần nâng tầm thương hiệu sầu riêng của Bình Dương trên thị trường”, ông Xuân nói.
Việc áp dụng phương pháp hữu cơ và kỹ thuật canh tác bền vững như mô hình trồng sầu riêng của ông Đặng Văn Xuân không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình mà còn giúp bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ sinh thái và bảo vệ tài nguyên cho thế hệ tương lai, góp phần đưa sản phẩm sầu riêng của Bình Dương vươn xa. Ông Đặng Văn Xuân nhiều năm liền được Hội Nông dân tỉnh trao Giải thưởng “Nông dân Bình Dương xuất sắc”.
PHƯƠNG LÊ
Nguồn Bình Dương : https://baobinhduong.vn/thu-tien-ty-tu-trong-sau-rieng-theo-huong-ben-vung-a344470.html