Ngày 15/11, đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết các nhà làm phim trong nước: Thu Trang, Đức Thịnh, Hoàng Quân, Nhất Trung, Hàm Trần..., cùng các doanh nghiệp điện ảnh như BHD Việt Nam, CJ CGV Việt Nam, Lotte Cinema Việt Nam, Công ty cổ phần phim Thiên Ngân, Mega GS, HK Film, ABC Pictures, Chánh Phương phim... đã đồng thuận ký vào văn bản gửi đến Chính phủ và Quốc hội kiến nghị về việc điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (VAT) trong Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.
Theo dự thảo này, thuế VAT đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, trong đó có điện ảnh tăng từ 5% lên 10%.
"Với vai trò là một nhà sản xuất phim, khi tôi gặp bất kỳ nhà đầu tư chuyên nghiệp nào để gọi vốn cho các dự án, họ cũng đều nói với tôi đầu tư phim là mục đầu tư mạo hiểm. Thực chất họ đầu tư vào đây phần nhiều là vì sở thích cá nhân và muốn giúp cho người làm phim như tôi", đạo diễn Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Trong văn bản kiến nghị, doanh nghiệp, giới làm phim "không xin Nhà nước đầu tư tài chính, không xin cơ sở vật chất, đất đai, nhân lực, mà chỉ xin cơ chế và chính sách đãi ngộ hợp lý để vừa đảm bảo đóng góp cho ngân sách, cho xã hội mà vẫn phát triển doanh nghiệp ổn định".
Mai là bộ phim thắng lớn tại rạp Việt trong năm 2024.
Các doanh nghiệp bày tỏ không đồng thuận với đề xuất tăng thuế đối với lĩnh vực điện ảnh. Theo nội dung văn bản, ba lý do được doanh nghiệp, các đạo diễn đưa ra.
Một là, điện ảnh là một phần quan trọng của hoạt động văn hóa. Các doanh nghiệp điện ảnh đã và đang nỗ lực để thực hiện mục tiêu phấn đấu chung của ngành. Luật Điện ảnh năm 2022 quy định: "Nhà nước có chính sách huy động các nguồn lực, thực hiện các biện pháp bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, phát triển thị trường điện ảnh…".
Hai là, sau đại dịch Covid-19, tốc độ hồi phục của ngành điện ảnh năm 2023 mới chỉ tiệm cận về gần với năm 2019 (thời điểm trước dịch) và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ba là, bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng sau đại dịch giảm, tạo nên những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp điện ảnh.
"Việc đề xuất tăng thuế suất không chỉ là gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp mà còn làm mất đi cơ hội vượt qua khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp điện ảnh".
Sau cùng, các đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh ngành điện ảnh chỉ có thể phục hồi được khi có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ban ngành bằng những chính sách thiết thực, đặc biệt là chính sách thuế. Họ cũng đề nghị mức thuế giá trị gia tăng cho hoạt động điện ảnh là 3%.
Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ thêm với văn bản kiến nghị này, anh và những nhà làm phim hy vọng các nhà làm chính sách sẽ cân nhắc thật kỹ lưỡng để đảm bảo sự bền vững và phát triển của điện ảnh Việt, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo tiếp tục cống hiến.
An Anh