Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 20/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đại biểu Dương Ngọc Hải (đoàn TP.HCM) nêu, về mô hình cơ quan điều tra, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng còn 2 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh), bỏ cơ quan điều tra cấp huyện và ở cấp xã không có cơ quan điều tra. Tuy nhiên, điều tra viên cấp tỉnh sẽ được bố trí về làm trưởng hoặc phó công an cấp xã, thực hiện một số hoạt động điều tra đối với các vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã.
Như vậy, trưởng công an xã sẽ có quyền ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và các quyết định tố tụng khác như bắt tạm giam, kê biên tài sản, khám xét. Đồng thời, sẽ có một bộ máy giúp việc cho trưởng và phó công an cấp xã trong trường hợp này.
Đại biểu Dương Ngọc Hải, đoàn TP.HCM. (Ảnh: Quang Phúc)
Ông Dương Ngọc Hải đặt câu hỏi: “Vậy trưởng hoặc phó công an cấp xã được giao các quyền trên sẽ lấy danh nghĩa là gì, con dấu ra sao? Nếu lấy danh nghĩa công an cấp xã để ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam thì sẽ phát sinh thêm một cơ quan điều tra công an cấp xã. Ví dụ, TP.HCM sau khi sắp xếp đơn vị hành chính có 168 phường, xã và đặc khu, đồng nghĩa phát sinh 168 cơ quan điều tra cấp xã”.
Đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng điều này hết sức vô lý trong bối cảnh đang chuyển mô hình cơ quan điều tra 3 cấp thành 2 cấp.
Ngược lại, nếu công an cấp xã thực hiện hoạt động tố tụng nhưng lấy danh nghĩa cơ quan điều tra công an cấp tỉnh (dấu của cơ quan điều tra công an cấp tỉnh và chữ ký của thủ trưởng cơ quan điều tra công an cấp tỉnh) thì với 168 phường/xã ở TP.HCM, một ngày có rất nhiều quyết định tố tụng được ban hành, nếu phải đưa hồ sơ lên công an cấp tỉnh để đóng dấu và ký thì liệu có làm nổi?
“Tôi cho rằng rất khó”, đại biểu Dương Ngọc Hải nêu băn khoăn về biện pháp triển khai và khả năng thực thi quy định trong dự thảo.
Cũng thảo luận về nội dung này, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng thường trực Bộ Công an (đại biểu đoàn Bắc Ninh) cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đồng thời, những thay đổi này cũng nhằm khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn tố tụng hình sự thời gian qua (như thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc vắng mặt; quy định liên quan đến thi hành án tử hình, giám định tư pháp).
Dự thảo Luật quy định, điều tra viên là trưởng hoặc phó công an cấp xã có thẩm quyền khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã. Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đề nghị cân nhắc bổ sung thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác cho nhóm chủ thể này.
“Việc giao thêm thẩm quyền trên cho điều tra viên là trưởng hoặc phó công an cấp xã là phù hợp, đảm bảo tính kịp thời, khắc phục bất cập khoảng cách địa lý từ xã đến tỉnh”, ông Tỏ nói và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc quy định rõ chủ thể điều tra viên là trưởng hoặc phó công an cấp xã, tránh trường hợp suy diễn thêm một cấp điều tra.
“Công an xã không phải là một cấp điều tra. Điều tra viên trong trường hợp này mang chức danh tư pháp để thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh”, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ.
Góp ý thêm về dự thảo, ông Tỏ quan tâm đến vấn đề số hóa hoạt động của cơ quan điều tra. Ông cho biết, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; trong đó yêu cầu các cơ quan trong hệ thống chính trị có kế hoạch và lộ trình đưa toàn bộ hoạt động lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ, bí mật nhà nước.
Thực hiện chủ trương trên, góp phần số hóa hoạt động của các cơ quan điều tra, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, trong đó quy định số hóa hồ sơ vụ án, quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ký số trong các văn bản tố tụng và chữ ký số có giá trị pháp lý như chữ ký trực tiếp.
Việc áp dụng số hóa sẽ khắc phục được khó khăn về địa lý trong việc ký văn bản của cơ quan điều tra.
Lê Hoàng (VOV.VN) (Nguồn: Báo điện tử VOV) Link: https://vov.vn/chinh-tri/thu-truong-bo-cong-an-cong-an-xa-khong-phai-la-mot-cap-dieu-tra-post1200889.vov