Thứ trưởng Bộ Công an: Dự kiến bố trí mỗi xã 30-60 cán bộ công an sau sáp nhập

Thứ trưởng Bộ Công an: Dự kiến bố trí mỗi xã 30-60 cán bộ công an sau sáp nhập
5 giờ trướcBài gốc
Nội dung trên được Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, đề cập khi nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự tại phiên họp chiều 28/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều tra viên công an tỉnh về làm trưởng/phó công an xã sẽ thêm một số quyền
Trung tướng Nguyễn Văn Long cho biết theo dự kiến, số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước giảm 60-70%, vì thế, số lượng đơn vị công an cấp xã cũng giảm tương ứng, nhưng quy mô lại tăng trung bình gấp 3 lần so với hiện nay.
Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an.
"Để công an cấp xã có thể giải quyết các vụ việc tại cơ sở với mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn và liên thông giữa công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, Bộ Công an đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm, quyền hạn của điều tra viên trong Bộ luật Tố tụng hình sự", Thứ trưởng nói.
Theo đó, với những vụ việc, vụ án ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã, điều tra viên trung cấp hoặc cao cấp thuộc cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh được bố trí trưởng hoặc phó công an xã phụ trách công tác phòng, chống tội phạm, có thể được giao một số quyền hạn.
Cụ thể như: trực tiếp tổ chức và chỉ đạo thụ lý tin tố giác tội phạm; khởi tố điều tra; quyết định phân công, thay đổi điều tra viên, cán bộ điều tra được bố trí tại công an xã; kiểm tra các hoạt động thụ lý giải quyết nguồn tin tội phạm vụ án hình sự; quyết định biện pháp ngăn chặn; quyết định truy nã, đình nã bị can; khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý tang vật...
"Thực hiện việc này, với cấp xã hiện nay, quy mô chúng tôi bố trí khoảng 30-60 cán bộ công an xã. Như địa bàn Hà Nội thì có thể 50-60 cán bộ công an xã", Trung tướng Nguyễn Văn Long nói.
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, công an xã sau sáp nhập là một cấp công an, có hoạt động phòng ngừa, để hoàn thiện phải phân công một số điều tra viên công an tỉnh làm trưởng, phó trưởng công an xã hiện nay.
"Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý, Bộ Công an sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp tình hình phòng chống tội phạm hiện nay", Trung tướng Nguyễn Văn Long nói thêm.
Liên quan đề xuất trên, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết hôm nay ông mới nhận được chính sách này của Bộ Công an và đây là chính sách rất mới, trong quá trình phối hợp chưa có.
Đánh giá đây là vấn đề lớn cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trao đổi, nghiên cứu.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị nghiên cứu việc bổ sung thẩm quyền của một số điều tra viên từ công an tỉnh cử xuống công an xã làm việc.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị VKSND Tối cao và Bộ Công an thảo luận để giải quyết các công việc thuận lợi nhất, vừa tôn trọng quyền con người, quyền công dân nhưng cũng vừa đảm bảo giảm quá tải cho cơ quan điều tra cấp trên, vừa khẩn trương xử lý các vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở.
2 trường hợp có thể bị điều tra, truy tố vắng mặt
Trước đó trình bày tờ trình dự án Luật, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu thực tiễn xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn cho tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng bị can bỏ trốn, truy nã không có kết quả hoặc bị can ở nước ngoài không thể triệu tập, hành vi phạm tội của các bị can này có liên quan chặt chẽ đến hành vi phạm tội của các bị can khác trong vụ án.
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến.
Mặc dù cơ quan tiến hành tố tụng có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội và ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố/truy tố bị can nhưng vẫn phải quyết định tạm đình chỉ điều tra/tạm đình chỉ vụ án, mà không thể xử lý vắng mặt.
"Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết kịp thời vụ án, xử lý các bị can khác trong vụ án, ảnh hưởng đến việc thu hồi tài sản, bởi Bộ luật Tố tụng hình sự mới chỉ có quy định về xét xử vắng mặt, chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục này trong giai đoạn điều tra, truy tố", ông Nguyễn Huy Tiến nói.
Để giải quyết vướng mắc này, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết cấp có thẩm quyền có yêu cầu, chỉ đạo các cơ quan xây dựng hướng dẫn trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo trong những trường hợp đã có đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ án, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, răn đe các đối tượng phạm tội có ý định bỏ trốn.
Thực hiện yêu cầu, chỉ đạo trên, các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, thực hiện điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt nhiều bị can, bị cáo trong các vụ án lớn, thu hồi nhiều tài sản có giá trị lớn, được dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Cụ thể như đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt đối với Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng một số đối tượng khác trong vụ AIC Đồng Nai. Trong đó, có đối tượng sau khi bỏ trốn đã về đầu thú và chấp nhận thi hành bản án, quyết định của Tòa án, không có khiếu nại, tố cáo, kháng cáo…
"Do vậy, để thể chế hóa yêu cầu nêu trên, có cơ sở pháp lý cụ thể, cần thiết bổ sung ngay về căn cứ, trường hợp điều tra, truy tố vắng mặt trong sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự này", Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh.
Theo đó, dự thảo Luật quy định cơ quan điều tra có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can; Viện kiểm sát có thể quyết định truy tố bị can khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can theo quy định của bộ luật trong 2 trường hợp.
Thứ nhất, bị can bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả.
Thứ hai, bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra hoặc phục vụ các hoạt động nhằm quyết định việc truy tố.
Dự thảo Luật đề xuất giao Viện trưởng VKSND Tối cao, Bộ trưởng Công an chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Quốc phòng, Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định này.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Huy Tiến cho biết, dự thảo Luật đã thể chế hóa kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến trình tự, thủ tục thi hành án tử hình.
Cụ thể, sửa đổi Điều 367 Bộ luật Tố tụng Hình sự theo hướng bổ sung: thời hạn xem xét quyết định ân giảm với người bị kết án tử hình; trình tự, thủ tục sau khi có hoặc không có quyết định ân giảm của Chủ tịch nước; trình tự, thủ tục tòa án quyết định việc hoãn thi hành án trong thời hạn 2 năm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật hình sự.
Theo đó, dự thảo bộ luật quy định, trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước thì Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao báo cáo Chủ tịch nước xét đơn xin ân giảm.
Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày nhận được báo cáo của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm đối với người bị kết án.
Trường hợp Chủ tịch nước quyết định ân giảm thì Chánh án TAND cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.
Hết thời hạn nêu trên mà không có quyết định ân giảm thì Chánh án TAND cấp tỉnh đã xét xử sơ thẩm tổ chức việc thi hành bản án tử hình theo quy định.
Dự luật đề xuất giao Chánh án TAND Tối cao chủ trì, phối hợp với Viện trưởng VKSND Tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành điều này.
Anh Văn
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/thu-truong-bo-cong-an-du-kien-bo-tri-moi-xa-30-60-can-bo-cong-an-sau-sap-nhap-ar940507.html