Thứ trưởng Bộ Công thương nói về tiến độ đàm phán thuế quan với Mỹ

Thứ trưởng Bộ Công thương nói về tiến độ đàm phán thuế quan với Mỹ
8 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài thông tin tại buổi họp báo
Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài thông tin tại buổi họp báo
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ quý I/2025 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 6/4, ông Trương Thanh Hoài - Thứ trưởng Bộ Công thương đã thông tin về một số vấn đề báo chí quan tâm sau khi Mỹ công bố áp mức thuế đối ứng 46% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Hoài cho biết, nếu Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ từ ngày 9/4 thì sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cụ thể là ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành xuất khẩu chủ lực như: chế biến chế tạo, máy tính, sản phẩm linh kiện điện tử, dệt may, da giày…; đồng thời tác động tiêu cực đến thu hút FDI, đầu tư trong nước, dịch vụ…
"Khi Mỹ tăng thuế, giá cả của hàng xuất khẩu Việt Nam tại Mỹ sẽ tăng lên, làm giảm sức cạnh tranh với hàng hóa các nước khác. Đồng thời, sức mua của người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ suy giảm khiến cho cầu hàng hóa Việt Nam giảm theo", ông Hoài nói.
Thậm chí, đối với các hợp đồng đã ký kết, các doanh nghiệp Mỹ có thể sẽ cân nhắc việc có tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa với Việt Nam hay không.
Cập nhật tiến độ đàm phán với Mỹ, ông Trương Thanh Hoài cho biết, ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng vào sáng 3/4, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm gửi Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ đề nghị tạm hoãn quyết định áp thuế trên để trao đổi, tìm giải pháp hài hòa lợi ích cho cả hai bên; đồng thời đề nghị thu xếp cuộc điện đàm trong thời gian sớm nhất để trao đổi, xử lý vấn đề này.
Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm rất thành công với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính phủ cũng đã chủ động báo cáo, đề xuất nhiều nội dung và được Bộ Chính trị đồng ý.
Về phía Bộ Công thương, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho biết, Bộ đã triển khai hàng loạt biện pháp tiếp xúc với các cấp khác nhau của Mỹ để làm rõ quan điểm của Việt Nam. Theo đó, hai bên đều mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương trên diễn biến tổng thể của hai nước.
"Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Mỹ về việc đưa mức nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về mức 0%. Đây là bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ", ông Hoài nhấn mạnh.
Trong thời gian sắp tới, ông Hoài cho biết, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA) Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan của Mỹ để trao đổi chặt chẽ về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên làm Tổ phó, các thành viên là lãnh đạo các bộ ngành liên quan. Bộ Công thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác.
Thời gian tới, Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Rạng sáng 3/4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng đối với hàng xuất khẩu của hơn 60 quốc gia, trong đó Việt Nam dự kiến bị áp thuế 46%
Nhận định xuất khẩu trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức, Thứ trưởng Công thương đề nghị các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả các biện pháp đề ra.
Trong đó, giải pháp đầu tiên là tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu như thị trường Trung Đông, Mỹ La-tinh…; tăng cường xúc tiến thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics để làm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước nhằm đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.
"Chúng ta cần phải có chính sách quyết liệt hơn với ngành công nghiệp chế biến chế tạo, để làm sao thúc đẩy sự gia tăng giá trị trong nước với các sản phẩm công nghiệp, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ của các quốc gia", ông Hoài nói.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, đảm bảo xử lý sớm và kịp thời những vướng mắc, tranh chấp thương mại, nhằm hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.
"Mặc dù đối diện nhiều thách thức nhưng chúng ta phải cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, tăng tính tự chủ, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường", ông Hoài nói.
Về phía doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương yêu cầu doanh nghiệp chủ động cập nhật thông tin thị trường, thường xuyên theo dõi về các chính sách thương mại của các quốc gia để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đồng thời, trên cơ sở các FTA Việt Nam đã ký kết, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống cũng như các thị trường nhỏ, thị trường ngách; đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong các FTA, tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại...
Doanh nghiệp cũng cần chú trọng tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thường xuyên thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
Theo ông Hoài, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, đồng thời tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 120 tỷ USD vào Mỹ, tăng 22,48 tỷ USD (tương ứng tăng 23,2%) so với năm 2023. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Trong đó, có 15 nhóm ngành hàng xuất khẩu vào Mỹ đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, bao gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác; hàng dệt, may; điện thoại; gỗ và sản phẩm gỗ; giày dép; phương tiện vận tải và phụ tùng; chất dẻo; thủy sản; túi xách, ví, vali; đồ chơi, dụng cụ thể thao; sắt thép; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; hạt điều, dây điện và dây cáp điện…
Quý I/2025, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 31,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu sang Mỹ hơn 27 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Minh Minh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/thu-truong-bo-cong-thuong-noi-ve-tien-do-dam-phan-thue-quan-voi-my-post366926.html